Bài học xây dựng Đảng trong Cách mạng Tháng Tám còn nguyên giá trị
Cách mạng Tháng Tám - bước ngoặt vĩ đại của lịch sử, không chỉ đưa nước ta bước sang trang mới: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, mà còn để lại nhiều bài học vô giá. Một trong những bài học lớn, đó là: Tập trung xây dựng Đảng, nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng.
Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19/8/1945 (Ảnh: dangcongsan.vn) |
Với 5.000 đảng viên, Đảng lãnh đạo thành công Tổng khởi nghĩa giành chính quyền
15 năm đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), thực dân, đế quốc tìm mọi phương kế hòng tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương. Đảng vừa phải vận động, tập hợp xây dựng lực lượng cách mạng, vừa bảo vệ, giữ gìn, củng cố, xây dựng để Đảng trưởng thành.
“Đảng có mạnh cách mạng mới thành công”, nhưng thời điểm đó, một mặt “Số lượng đảng viên ít ỏi quá”, lại bị khủng bố trắng của thực dân Pháp làm cho nhiều tổ chức đảng bị phá hoại, tan rã, tê liệt “Đảng bộ ba xứ bị thiệt thòi khá nhiều”, mặt khác chất lượng đảng viên của Đảng vẫn trong tình trạng “đa số là dân cày và tiểu tư sản”.
Đảng đã đặt lên hàng đầu “vấn đề củng cố nội bộ”, coi đó là “Công tác vô cùng khẩn trương”, để xây dựng Đảng thành một tổ chức “cứng cỏi” thì mới lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công.
Kiên định con đường đã chọn, nhạy bén, bám sát thực tiễn đất nước, vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng đề ra đường lối chính trị đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Trong sự kiểm soát gắt gao và khủng bố dã man của kẻ thù, các văn bản về xây dựng Đảng vẫn được ban hành kịp thời, như: Điều lệ Đảng, tài liệu “Công tác chi bộ”, chỉ thị “Củng cố và phát triển đảng viên”… nhằm giữ vững nguyên tắc, tính Đảng, chuẩn bị mọi mặt giúp Đảng đủ sức dẫn dắt cuộc đấu tranh giành chính quyền.
Nội bộ Đảng luôn thực hành rộng rãi dân chủ, công khai “Tự chỉ trích”, tự phê bình và phê bình để “thống nhất tư tưởng, rèn luyện mình, đề cao uy tín và ảnh hưởng của Đảng, nhằm làm cho Đảng ngày càng vững mạnh”.
Đảng mạnh là do cán bộ, đảng viên gương mẫu, tiên phong. Bên cạnh chú trọng đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên chú trọng chất lượng “quần chúng nào đủ điều kiện vào Đảng thì cho vào, quần chúng nào không đủ điều kiện thì gạt ra ngay” để tăng sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo, thì phải “đuổi hết những phần tử cơ hội, hủ hóa, lợi dụng, lười biếng ra khỏi Đảng” làm cho nội bộ thật trong sạch. Tìm “những phần tử hăng hái nhất, tiên tiến nhất để phát triển rèn luyện. Phải cho họ tham gia những lớp huấn luyện chính trị, công tác Đảng” đào tạo để họ trở thành những cán bộ cách mạng cốt cán sau này.
Trong muôn vàn hiểm nguy, thử thách, công tác xây dựng Đảng đã tạo dựng nên Đảng ta thành một đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, thật sự của dân, do dân, vì dân; nhân dân tin tưởng, quý trọng, gọi Đảng bằng những tên thân mật, gắn bó mà trên thế giới chưa nơi nào có “Đảng ta”, “Đảng mình”. Điều đó lý giải: Vì sao một Đảng mới 15 tuổi, chỉ hơn 5.000 đảng viên, vẫn thuyết phục, tập hợp, đoàn kết được 20 triệu đồng bào trên cả nước cùng vùng dậy đấu tranh, làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng giành độc lập, tự do cho dân tộc!
Bài học xây dựng Đảng tiếp tục tỏa sáng
Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Kết quả của công tác xây dựng Đảng… đã góp phần rất quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Trong bối cảnh hội nhập, thời cơ và nguy cơ đan xen, tình hình an ninh quốc tế phức tạp, chuyển biến mau lẹ, khó lường; Đảng vẫn quyết tâm: Đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045, điều đó đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong công tác xây dựng Đảng.
Tổng khởi nghĩa năm 1945, nước ta chỉ có 20 triệu dân, hôm nay đã gần 100 triệu dân, gấp 5 lần; toàn Đảng có 5 ngàn đảng viên, hôm nay đã hơn 5 triệu đảng viên, nhiều gấp 1000 lần. Số lượng đảng viên, tỷ lệ lãnh đạo tăng lên, tổ chức đảng phủ kín khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… đó là bước trưởng thành vô cùng quan trọng, nhưng quan trọng, quyết định hơn vẫn là sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng. Bài học xây dựng Đảng vẫn còn đó, muốn vượt qua mọi khó khăn thách thức trong giai đoạn mới: Xây dựng Đảng vẫn “là nhiệm vụ then chốt”, “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải triển khai quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên và hiệu quả” hơn.
Chưa bao giờ công tác xây dựng Đảng lại có đầy đủ văn bản từ Điều lệ đến nghị quyết, chỉ thị, quy định như hôm nay. Vấn đề còn lại vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Đó là đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn.
Bài học lịch sử cho thấy: Xây dựng Đảng luôn là nhiệm vụ chiến lược. Nhờ xây dựng Đảng vững mạnh mới đưa Cách mạng Tháng Tám, hai cuộc chiến tranh giải phóng và công cuộc đổi mới đi đến thắng lợi. Ngày nay, nước nhà muốn sánh vai các cường quốc năm châu, bước lên đài phồn vinh, thịnh vượng nhất thiết phải đổi mới, chỉnh đốn để có một Đảng “là đạo đức, là văn minh”, là “lương tâm, trí tuệ, danh dự của thời đại”.
NGUYỄN QUANG PHI