HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Khắc sâu lời Bác dạy, đoàn kết để vượt qua đại dịch

Thứ Tư, 18/08/2021, 09:30 [GMT+7]
In bài này
.

Cả nước đang gồng mình phòng, chống dịch COVID-19 - cuộc chiến không tiếng súng, nhưng cam go, quyết liệt, hiểm nguy và chưa biết khi nào kết thúc. Nhưng chúng ta vẫn vững niềm tin và kỳ vọng, rằng sẽ vượt qua, bởi trong cuộc chiến ấy luôn có tư tưởng Hồ Chí Minh dẫn đường, soi lối.

Sức khỏe cá nhân gắn chặt với sức khỏe cộng đồng

Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng chào đời, nhưng lại đứng trước những khó khăn, thách thức như “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong hoàn cảnh nước sôi, lửa bỏng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian quan tâm đặc biệt đến vấn đề sức khỏe của nhân dân.

Với Người, “khỏe mạnh thì làm được việc”, “việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công”, sức khỏe là “vốn quý nhất”, quyết định đến sự hưng thịnh hay suy yếu của một quốc gia, dân tộc “dân cường thì nước thịnh”.

Tầm cao trí tuệ và tư duy biện chứng, ngay từ đầu Người đã khẳng định, sức khỏe cá nhân là một bộ phận hợp thành sức khỏe của toàn xã hội “Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”. Sức khỏe không chỉ là tài sản của cá nhân mà là tài sản chung của đất nước; tạo nguồn sức khỏe không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà là trách nhiệm của cộng đồng; chăm lo sức khỏe không chỉ dừng lại ở mục đích  cá nhân, mà còn mục đích vì đất nước.

Trong di sản Hồ Chí Minh, điều quan trọng nhất trong việc chăm sóc sức khỏe là “phòng, chống dịch bệnh”, “phòng bệnh hơn trị bệnh”. Người khuyên: Phải  “giữ gìn vệ sinh thật tốt”, bởi “Sạch sẽ thì dân ít ốm”; phải “siêng tập thể thao”, bởi thể dục, thể thao giúp “mình mẩy được nở nang”, cường tráng, chống được bệnh tật.

Người cảnh báo, rằng: “Nếu người giàu không giúp cho người nghèo ăn ở đúng vệ sinh, đến khi có dịch bệnh thì người giàu cũng khó sống”. “Lụt thì lút cả làng”, dịch bệnh cũng vậy, sẽ không trừ một ai, “không phân biệt người giàu, người nghèo”, đều có thể bị uy hiếp, tổn thất đến chính sinh mạng của mình. Và khi cần vì lợi ích chung, theo Người phải dùng đến biện pháp mạnh: “Trong làng nhiều ao, nhiều muỗi, thường có đau ốm… ai cũng bằng lòng lấp ao mình. Chỉ một hai người không chịu theo, để người làng vì muỗi mà ốm đau liên miên. Vì vệ sinh chung làng có quyền buộc hai người kia phải lấp ao”.

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID - 19, chúng ta càng thấm thía lời Bác dặn. Đại dịch chỉ được khống chế, đẩy lùi khi mỗi người dân biết “phòng bệnh”, tự giác chấp hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Mỗi người phải nhận thức đầy đủ rằng: Trong lúc này, Chính phủ đưa ra những quy định nghiêm ngặt, chính quyền các cấp kiểm soát, xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm cũng vì dân; tự chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình cũng là hành động thiết thực góp phần bảo vệ sức khỏe và tính mạng của cộng đồng.

Chung sức đẩy lùi đại dịch

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm được sợi dây kết nối các giai cấp, các tầng lớp, kêu gọi, thuyết phục nhân dân theo Đảng làm cách mạng và Người đã thành công. Thực tiễn đã giúp Người rút ra chân lý: “Đoàn kết là sức mạnh”, “Có đoàn kết mới vượt qua được mọi khó khăn”, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Ngày 22/1/2020, ca bệnh COVID-19 đầu tiên được phát hiện ở nước ta, nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 trở thành “trọng tâm, cấp bách” và cả hệ thống chính trị cùng toàn dân đồng loạt vào cuộc với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân KP Hải Phong 2 (TT. Long Hải). Ảnh Đinh Hùng.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân KP Hải Phong 2 (TT. Long Hải). Ảnh Đinh Hùng.

Đại dịch là một thách thức, đe dọa cuộc sống, sự an toàn, sức khỏe và cả tính mạng con người. Nhưng càng qua cơn hoạn nạn càng tỏa sáng tình người, đượm tình dân tộc, thắm nghĩa đồng bào. Thật xúc động và cảm thấy ấm lòng khi trên cả nước xuất hiện hàng loạt bếp cơm nghĩa tình, bữa ăn miễn phí, chuyến xe tình nguyện; nhiều cửa hàng, siêu thị, phiên chợ, phiếu mua hàng không đồng giúp người nghèo, người không may mắn và yếu thế trong xã hội.

Khi Tổ quổc gọi, nhân dân cần, hàng vạn cán bộ, y bác sĩ, hàng ngàn sinh viên y khoa, hàng ngàn bác sĩ, y sĩ đã về hưu sẵn sàng rời xa gia đình, tình nguyện lên tuyến đầu xét nghiệm, sàng lọc, cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19; hàng vạn người tình nguyện ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” rà soát, khoanh vùng dập dịch ở các khu dân cư; hàng trăm khách sạn, trường học, doanh trại bộ đội nhường chỗ làm khu cách ly tập trung… Người có của, có công, có sức, có trình độ chuyên môn, tùy theo sức của mình đều đồng hành cùng Chính phủ và họ đã thật sự trở thành những chiến sĩ quả cảm trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tỏa sáng qua từng việc làm, từng hành động cụ thể mang đầy giá trị nhân văn.

Nhưng cuộc chiến phòng, chống dịch COVID -19 trên thế giới và trong nước chưa dừng lại, mà vẫn còn đầy cam go, bởi nhiều ổ dịch mới xuất hiện, virus biến thể có tốc độ lây lan nhanh. Trong bối cảnh đó phải trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh và nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm hơn nữa… nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, khống chế dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.

NGUYỄN QUANG PHI

 

;
.