Kiên định thực hiện "mục tiêu kép"
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV, trong hai ngày làm việc cuối tuần qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tham gia họp phiên toàn thể tại Hội trường đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới; đồng thời thảo luận tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội Khoá XV phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: CHÂU VŨ |
Cần ưu tiên vắc xin cho khu vực chiếm tới 40% GDP cả nước
Trong ý kiến gửi đến phiên thảo luận tại hội trường (ngày 25/7), bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội Khoá XV nhận định, trong 5 năm 2016 - 2020, Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô vững chắc, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, thu NSNN vượt kế hoạch, nợ công giảm mạnh, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực; văn hóa phát triển, quốc phòng an ninh giữ vững, đảm bảo an sinh xã hội…
Để đạt các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội năm 2021 trong tình hình dịch bệnh 6 tháng cuối năm diễn biến phức tạp, khó lường, bà Nguyễn Thị Yến đề xuất Chính phủ cần đưa ra kịch bản cụ thể để không làm đứt gãy nền kinh tế. “Cần kiên định thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống, kiểm soát dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội; tập trung các nguồn lực để không làm đứt gãy nền kinh tế; siết chặt kỷ luật tài chính, ngân sách Nhà nước, tiết kiệm chi thường xuyên hơn nữa, tăng chi đầu tư phát triển; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, điều chỉnh giải pháp thu hút vốn FDI phù hợp tình hình thực tiễn”, bà Nguyễn Thị Yến đề xuất...
Bà Nguyễn Thị Yến cũng cho rằng, về tăng trưởng kinh tế, 6 tháng đầu năm, kinh tế đã tăng trưởng 5,64%, trong khi Nghị quyết Quốc hội đưa ra là 6%. Như vậy, muốn đạt chỉ tiêu đề ra thì từ nay đến cuối năm tăng trưởng kinh tế phải đạt 6,3%. Để đạt chỉ tiêu này cần có một kịch bản cụ thể để không làm đứt gãy nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng trong 6 tháng đầu năm (trên 4%). Tính đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,78-2%. Vấn đề này, Quốc hội đã có Nghị Quyết số 42 năm 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu, đề nghị cơ quan chức năng cần tham mưu cho Chính phủ phân tích làm rõ thêm vấn đề này và đánh giá nguyên nhân chính từ đâu để có giải pháp xử lý, vì trong tình hình dịch bệnh, dự báo khả năng nợ xấu sẽ tăng cao. Riêng về tình hình cổ phần hoá, thoái vốn của DNNN còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ, mới đạt 30% Kế hoạch. Theo bà Nguyễn Thị Yến, một trong những nguyên nhân chính đó là DNNN của địa phương khi cổ phần hóa, thoái vốn, phải nộp nguồn vốn về Trung ương. Chính vì vậy, các địa phương chưa tích cực thực hiện. Để đẩy nhanh tiến độ, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền có cơ chế để lại cho địa phương sau khi đã cổ phần hóa, thoái vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm khuyến khích, tạo động lực cho việc cổ phần hóa, hoái vốn đối với DNNN địa phương.
Về các giải pháp ứng phó dịch bệnh, bà Nguyễn Thị Yến cho rằng, cần bố trí nguồn vốn hợp lý, bảo đảm nguồn chi cho công tác phòng, chống, kiểm soát, dập dịch COVID-19; tập trung nguồn vốn cho chiến lược tiêm vắc xin toàn dân, để đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất; sớm giải ngân các gói hỗ trợ cho người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch. Bà Nguyễn Thị Yến đề xuất xem xét tiêm chủng vắc xin cho toàn bộ nhân dân 19 tỉnh thành khu vực phía Nam đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong đó có 8 tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ, có nền kinh tế năng động, nộp ngân sách hơn 45%, chiếm tới 40% GDP cả nước.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội Khoá XV trả lời phỏng vấn Truyền hình Quốc hội về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp. Ảnh: CHÂU VŨ |
Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công
Trước đó, ngày 24/7, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận tại 2 tổ 16 và 19 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, bà Nguyễn Thị Yến cho biết, giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đạt tỷ lệ cao (90,8% tổng mức vốn được Quốc hội thông qua). Tỷ lệ giải ngân bình quân hằng năm đạt khoảng 83,4% kế hoạch; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã đạt và vượt 4/6 mục tiêu được Quốc hội thông qua. Đặc biệt, giai đoạn này đã khởi công được hai công trình trọng điểm quốc gia mang tầm thế kỷ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển KT-XH trong thời gian tới, đó là Dự án đường cao tốc Bắc-Nam và dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Để cải cách thể chế đầu tư công giai đoạn 2021-2025, bà Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ các bộ, ngành trung ương nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công; khẩn trương rà soát, sửa đổi, những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, cần quản lý chặt chẽ đầu tư công, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác rà soát để bảo đảm các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn… Cùng với đó, theo dõi, đánh giá sát sao việc thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án…
Bà Yến cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả quá trình tái cơ cấu đầu tư công, tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia... Cùng với đó là việc tăng cường hơn nữa công tác giám sát của Quốc hội, công tác kiểm tra, thanh tra của các cơ quan của chính phủ, kiểm toán. “Ngoài ra, Quốc hội nên ban hành Nghị quyết chuyên đề về việc xây dựng dự án cao tốc mang tính kết nối vùng, liên kết các vùng kinh tế trọng điểm, các vành đai; có cơ chế đặc thù riêng khi xây dựng các dự án này”, bà Yến kiến nghị thêm.
Thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, bà Nguyễn Thị Yến, nêu lên thực trạng thực hiện chưa đạt yêu cầu hoặc chậm trễ trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do luật đã có hiệu lực nhưng Chính phủ còn “nợ” Nghị định, các bộ, ngành cũng chưa kịp thời ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn. Bà Nguyễn Thị Yến đề nghị khi xây dựng Luật, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành trung ương liên quan phải kèm theo các dự thảo Nghị định để ngay khi luật có hiệu lực thì Nghị định cũng được ban hành, tạo thuận lợi cho các địa phương, bộ ngành trong việc thi hành.
KHÁNH CHI