Hội nghị chuyên đề về cải cách hành chính (CCHC) đã được UBND tỉnh tổ chức vào ngày 12/6. Các đại biểu dự hội nghị đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác CCHC của tỉnh, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp khắc phục.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. |
THIẾU SỰ PHỐI HỢP ĐỒNG BỘ
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận, trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nỗ lực thực hiện CCHC để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt hơn cho người dân và DN. Các chỉ số CCHC của tỉnh năm 2020 đạt kết quả đáng khích lệ: Chỉ số PCI xếp hạng 15 (tăng 1 hạng so với năm 2019), chỉ số PAPI xếp hạng 11/63 tỉnh, thành phố… Tuy nhiên, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, sự phối hợp trong giải quyết TTHC nội bộ trong cơ quan, đơn vị, giữa các sở, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; chất lượng tham mưu hồ sơ, giải quyết TTHC chưa cao, dẫn đến nhiều hồ sơ còn trễ hẹn.
Làm rõ thêm về tình trạng hồ sơ trễ hẹn, ông Phan Khắc Duy, Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, từ đầu năm đến ngày 10/6, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 44.442 hồ sơ TTHC. Trung tâm đã chuyển 42.219 hồ sơ đến các sở, ngành giải quyết, trong đó, 41.519 hồ sơ giải quyết đúng hẹn (đạt 98,5%), 600 hồ sơ trễ hẹn (chiếm 1,5 %). Trung tâm, đang giải quyết 2.223 hồ sơ, trong đó có 2.126 còn thời hạn và 90 quá hạn. Các hồ sơ trễ hạn, quá hạn nhiều tập trung ở các sở: Tư pháp, KH-ĐT, GT-VT, Xây dựng, TN-MT, KHCN. Nguyên nhân là do nhiều hồ sơ phải trả lại để bổ sung nhiều lần. Bên cạnh đó, sự phối hợp, phản hồi trong giải quyết TTHC của các cơ quan, địa phương còn chậm.
Theo đại diện Sở Nội vụ, qua các đợt kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ cho thấy, việc thực hiện mệnh lệnh hành chính cấp trên của một số sở, ngành, cơ quan, đơn vị chưa bảo đảm chất lượng và thời gian quy định. Một số công chức, viên chức còn lơ là, thiếu tập trung trong công tác phối hợp giải quyết TTHC, dẫn đến chất lượng, tiến độ của văn bản phản hồi không đáp ứng yêu cầu. Về công khai, minh bạch, theo đánh giá của DN trong chỉ số PCI, các DN cho rằng, việc tiếp cận văn bản quy hoạch của tỉnh còn khó khăn, các tài liệu về ngân sách chưa đủ chi tiết để DN sử dụng cho hoạt động kinh doanh. Còn theo đánh giá của người dân trong chỉ số PAPI, việc công khai thu, chi ngân sách các đơn vị chưa đầy đủ, kịp thời.
TĂNG CƯỜNG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN
Từ các nguyên nhân trên, các đại biểu đã bàn sâu các giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC nhằm tạo sự hài lòng cho người dân và DN. Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, 37 TTHC lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết và tham mưu giải quyết của Sở. Qua rà soát, Sở TN-MT đặt mục tiêu cắt giảm từ 10-50% TTHC lĩnh vực đất đai so với thời gian giải quyết theo quy định của Bộ TN-MT. Để đạt được các mục tiêu này, Sở sẽ đẩy mạnh thực hiện hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. “Bên cạnh đó, Sở đề xuất áp dụng thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính cho hộ gia đình và cá nhân trong quá trình giải quyết TTHC về đất đai. Việc làm này sẽ giảm được các bước trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người dân”, ông Hải phân tích.
Ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Sở TT-TT cho rằng, để nâng cao tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, các sở, ban, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, công khai, niêm yết các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên trang thông tin điện tử, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Đồng thời, cần bố trí cán bộ, công chức, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của người dân, DN đăng ký hồ sơ trực tuyến.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ đề xuất, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp giải quyết TTHC. Đồng thời rà soát, điều chỉnh quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC bảo đảm đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế. Các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, đặc biệt là các TTHC liên quan đến thu hút đầu tư để tạo thuận lợi cho DN.
Theo Sở TT-TT, việc cung ứng dịch vụ công mức độ 3, 4 trên môi trường mạng đã được 19 sở, ban, ngành; 8 huyện, thị xã, thành phố và 82 đơn vị cấp xã thực hiện. Tính đến ngày 2/6/2021, Cổng dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp 1.896 thủ tục mức độ 3, 4, đạt tỷ lệ 84%. 5 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 1.020 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 7.419 hồ sơ trực tuyến mức độ 4. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phải chú trọng nâng cao chất lượng, tiến độ trong chấp hành mệnh lệnh hành chính cấp trên để giải quyết kịp thời TTHC cho người dân, DN. Chú trọng việc cung cấp và tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều kênh về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến người dân, DN để tạo tiện ích, giảm chi phí phát sinh và thời gian đi lại cho người dân, DN. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác CCHC; đề ra kế hoạch, giải pháp, mục tiêu cụ thể để nâng cao các chỉ số CCHC. Tiếp tục rà soát quy trình giải quyết TTHC, đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 các sở, ngành, đơn vị, địa phương cắt giảm 1/3 thời gian và tiếp tục cắt giảm 50% thời gian giải quyết TTHC vào năm 2022.
Bài, ảnh: THI PHONG