.
THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỐ, PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH

Chuyển từ thí điểm sang thực hiện đồng loạt

Cập nhật: 18:35, 26/05/2021 (GMT+7)

Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025 để cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết chuyển đổi số (CĐS), đô thị thông minh (ĐTTM) gắn với cải cách hành chính (CCHC), ngày 26/5. Tham dự hội nghị còn có bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. 

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

KHÂU ĐỘT PHÁ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Trình bày dự thảo Nghị quyết CĐS, ĐTTM gắn với CCHC, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: CĐS là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ 2021-2025. Đến nay, tỉnh BR-VT đã đưa vào vận hành Trung tâm dữ liệu tập trung của tỉnh. Cơ sở hạ tầng thông tin bước đầu được đầu tư hiện đại. Nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai; việc gửi-nhận văn bản điện tử được liên thông cả 4 cấp hành chính. Hơn 75% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3-4. Hệ thống hội nghị trực tuyến được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã đã phát huy hiệu quả thiết thực. Trung tâm hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động đã góp phần thực hiện CCHC, công khai, minh bạch thông tin, giúp người dân, DN tương tác với chính quyền thuận tiện. Nhờ đó, nhiều năm liền BR-VT luôn trong nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số CCHC và chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông. 

Bên cạnh những kết quả đạt được về chính quyền điện tử, việc phát triển ĐTTM, xu hướng CĐS trên địa bàn tỉnh chỉ mới khởi đầu và còn nhiều thách thức như: nhận thức về CĐS chưa đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị và trong từng cán bộ, công chức; chưa có chính sách phát triển các nguồn lực thúc đẩy CĐS trên các trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

"BR-VT hướng đến mục tiêu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ CĐS theo đánh giá của Bộ TT-TT qua Bộ chỉ số CĐS cấp tỉnh. Do đó, các nhiệm vụ, giải pháp được xác định rõ ràng trong dự thảo Nghị quyết, được chia nhóm theo các nội dung trụ cột của CĐS là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và phát triển ĐTTM, cùng với đó là nhiệm vụ nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và toàn xã hội", ông Trần Văn Tuấn phân tích thêm. 

KẾT LUẬN HỘI NGHỊ, BÍ THƯ TỈNH ỦY PHẠM VIẾT THANH NHẤN MẠNH:
“Chương trình chuyển đổi số (CĐS), phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) có ý nghĩa rất lớn, mang tính đột phá, gắn với CCHC. Việc tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 5 để cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về CĐS, ĐTTM gắn với CCHC thể hiện sự nhất trí cao của lãnh đạo tỉnh để xây dựng chương trình hành động CĐS, ĐTTM gắn với CCHC đầu tư hợp lý nhưng hiệu quả cao.
Tại hội nghị ký kết chương trình hành động giữa Bộ TT-TT và tỉnh BR-VT vào cuối tháng 3/2021, Bộ TT-TT khẳng định sẽ dồn nguồn lực để giúp BR-VT là một trong các tỉnh, thành thực hiện CĐS, phát triển ĐTTM thành công. Theo đó, BR-VT sẽ xây dựng mô hình CĐS hoàn chỉnh để các tỉnh, thành phố trên cả nước học tập. Bộ TT-TT sẽ bảo trợ phương pháp, cách thức tiếp cận và triển khai đồng bộ. Sau khi rà soát và xem xét kỹ, lãnh đạo tỉnh thống nhất thực hiện đồng loạt mô hình CĐS, ĐTTM gắn với CCHC tại các sở, ngành, địa phương để có cơ sở dữ liệu lớn, thay vì làm thí điểm một nơi. Bởi lẽ, địa phương nào làm trước sẽ trở nên lạc hậu. 
Để thực hiện mục tiêu này cần phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp, các ngành. Trong đó, điều quan trọng là quyết tâm thay đổi nhận thức, nhất là thay đổi nhận thức của người đứng đầu”.

CƠ BẢN HOÀN THIỆN VÀO NĂM 2030

Dự thảo Nghị quyết xác định mục tiêu của tỉnh là đến cuối năm 2021 hoàn thành 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và tích hợp lên cổng dịch vụ công của tỉnh. Năm 2025, 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% giao dịch trên cổng dịch vụ công và phần mềm một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử; 85% người dân, DN hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ đúng hẹn đạt 98%.... Tầm nhìn đến năm 2030, BR-VT phải cơ bản hoàn thiện CĐS và hình thành ĐTTM. 

Để đạt các mục tiêu trên, dự thảo Nghị quyết đề ra 70 nhiệm vụ, trong đó có 21 nhiệm vụ thực hiện thường xuyên và theo lộ trình của Trung ương; 11 nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2021; 13 nhiệm vụ hoàn thành trong năm 2022; 4 nhiệm vụ hoàn thành trong năm 2023; 1 nhiệm vụ hoàn thành trong năm 2024 và 20 nhiệm vụ hoàn thành trong năm 2025.

Tại hội nghị, đã có 5 ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đóng góp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu cho rằng, cần xây dựng một khung chung về CĐS, ĐTTM cho các địa phương; đồng thời làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của từng địa phương trong CĐS, phát triển ĐTTM gắn với CCHC.

Công an TP. Vũng Tàu kiểm tra các số liệu truyền về từ các camera dữ liệu tại Trung tâm điều hành điều hành đô thị thông minh.
Công an TP. Vũng Tàu kiểm tra các số liệu truyền về từ các camera dữ liệu tại Trung tâm điều hành điều hành đô thị thông minh.

Trong khi đó, ông Lê Văn Phong, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho rằng cần phải thực hiện nhanh tiến trình CĐS, phát triển ĐTTM. Để CĐS nhanh và thành công thì nguồn lực công nghệ thông tin (CNTT) rất quan trọng. Nhưng hiện nay nguồn lực CNTT cấp huyện còn hạn chế. Do đó, trong công tác thu hút nhân lực CNTT chất lượng cao cần có cơ chế đặc thù để chi trả lương cho lực lượng này.

Còn ông Lê Ngọc Linh, Bí thư huyện ủy Long Điền thì cho rằng, để thực hiện CĐS, phát triển ĐTTM gắn với CCHC tỉnh BR-VT cần có lộ trình, phân chia từng giai đoạn cụ thể nhưng nên chọn các lĩnh vực then chốt, chủ lực để thực hiện CĐS. Trong đó, giai đoạn đầu nên tập trung vào 5 lĩnh vực cơ bản: Y tế, giáo dục, du lịch, giao thông và tài nguyên - môi trường.

Các ý kiến đóng góp tại hội nghị đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ghi nhận, đánh giá cao, đồng thời tiếp thu và hoàn thiện dự thảo để thông qua vào đầu tháng 6, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.