Công dân đăng ký danh sách cử tri ở nơi thường trú hay tạm trú?
Hỏi: Tôi là SV đang theo học tại trường ĐH BR-VT, sống cùng chị gái làm việc tại KCN thuộc TX.Phú Mỹ. Tôi và chị gái sẽ được lập danh sách cử tri ở đâu?
(Trần Tuyết Lan, TP.Vũng Tàu)
Trả lời: Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND đã quy định: “Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú”. Như vậy, về nguyên tắc, cử tri là SV, công nhân cần đăng ký để được ghi tên vào danh sách cử tri nơi mình thường trú hoặc tạm trú.
Trường hợp trường ĐH, CĐ hoặc KCN được thành lập khu vực bỏ phiếu riêng thì cử tri là CB, GV, SV, công nhân không thường trú hoặc tạm trú trong khu ký túc xá hoặc khu nhà ở tập trung của KCN mà có nguyện vọng tham gia bầu cử tại khu vực bỏ phiếu nơi có trường ĐH, CĐ hoặc KCN (để thuận lợi hơn cho công việc và sinh hoạt của bản thân) có quyền xin cấp giấy chứng nhận của UBND cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri (theo Mẫu số 12/HĐBC) để được bổ sung vào danh sách cử tri tham gia bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND tỉnh theo khu vực bỏ phiếu mới.
Như vậy, bạn và chị gái có thể đăng ký để được lập danh sách cử tri tại nơi mình đang cư trú hoặc tại khu vực bỏ phiếu mới, được tổ chức tại trường và KCN.
Hỏi: Con trai tôi năm nay 35 tuổi, bị câm, điếc bẩm sinh, nhưng vẫn biết chữ, trường hợp của con tôi có được ghi tên vào danh sách cử tri hay không?
(Văn Thị Cẩm Hương, huyện Long Điền)
Trả lời: Theo hướng dẫn từ Hội đồng Bầu cử Quốc gia, người vừa câm, vừa điếc nếu không thuộc các trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri quy định tại Khoản 1 Điều 30 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND thì vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 30 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định như sau: Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án; người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo; người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.
Hỏi: Tôi được biết, hiện các địa phương đang lập danh sách cử tri để niêm yét công khai chậm nhất vào ngày 14/4 tới đây. Tại nơi tôi đang cư trú có người có dấu hiệu bị bệnh tâm thần nhưng không có điều kiện tổ chức khám và xác nhận của cơ quan y tế thì có được ghi tên vào danh sách cử tri hay không?
(Nguyễn Văn Mười, TP.Vũng Tàu)
Trả lời:Theo Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 thì mất năng lực hành vi dân sự được quy định như sau: Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Người bị mất năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND sẽ không được thực hiện quyền ứng cử và bầu cử.
Trên thực tế, bệnh nhân tâm thần thường không cư trú cố định ở một nơi. Mạng lưới y tế chuyên khoa hiện tại cũng chưa phát triển rộng khắp nên chưa khám và xác định được họ. Do đó, ở địa phương, nếu có trường hợp có biểu hiện bệnh lý tâm thần rõ rệt, thường xuyên không làm chủ được nhận thức và hành vi thì tuy chưa có điều kiện tổ chức khám và xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền, chưa được Tòa án tuyên bố là người mất năng lực hành vi dân sự nhưng gia đình, người giám hộ có cam kết và chính quyền địa phương xác nhận thì họ cũng bị coi là người mất năng lực hành vi dân sự và không được ghi tên vào danh sách cử tri.
Nếu trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà người đó được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri để thực hiện quyền bầu cử.
Như vậy, đối với trường hợp ông hỏi ở trên, cần xác định tại thời điểm bầu cử người đó có bị mất năng lực hành vi dân sự hay không. Nếu tại thời điểm đó họ bị cơ quan có thẩm quyền xác định mất năng lực hành vi dân sự thì họ không có quyền tham gia bầu cử. Nếu trước khi bỏ phiếu 24 giờ họ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn bị mất hành vi dân sự thì họ sẽ được tham gia bầu cử như bình thường.
ỦY BAN BẦU CỬ TỈNH
(Còn nữa)