Việc xác định số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở từng đơn vị hành chính nhiệm kỳ 2021-2026 được thực hiện như thế nào?
Việc xác định số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở từng đơn vị hành chính được căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019, Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng, Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về Tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh. Cụ thể như sau:
- Đối với cấp tỉnh, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tối đa là 02 người; số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Trưởng ban ở mỗi Ban của HĐND tối đa là 02 người, trừ TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng.
Đối với TP.Hồ Chí Minh, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND thành phố tối đa là 03 người; số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Trưởng ban và Ủy viên ở mỗi Ban của HĐND thành phố tối đa là 04 người.
Đối với TP.Đà Nẵng, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND thành phố tối đa là 02 người; số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Trưởng ban ở mỗi Ban của HĐND thành phố tối đa là 03 người.
- Đối với cấp huyện, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tối đa là 02 người; số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Trưởng ban ở mỗi Ban của HĐND tối đa là 02 người.
- Đối với cấp xã, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND là 01 người.
Trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm thực hiện việc dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu; xác định cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp; tổ chức giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, bảo đảm cho việc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.
Trách nhiệm của Chính phủ đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thì trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp thực hiện công tác bầu cử theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm kinh phí, hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí tổ chức bầu cử, bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền, an ninh, an toàn và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cuộc bầu cử.
Trách nhiệm của Thường trực HĐND các cấp đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thì trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, Thường trực HĐND có trách nhiệm dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND của cấp mình. Thường trực HĐND các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và thực hiện công tác bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Trách nhiệm của UBND các cấp đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp được quy định như thế nào?
UBND các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp, thống nhất với Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.
Riêng UBND cấp xã còn có thêm một số trách nhiệm khác như xác định khu vực bỏ phiếu và trình UBND cấp huyện phê chuẩn; đối với các đơn vị hành chính cấp huyện không chia thành đơn vị hành chính cấp xã thì việc xác định khu vực bỏ phiếu do UBND cấp huyện quyết định (khoản 4 Điều 11 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND). UBND cấp xã lập danh sách cử tri theo khu vực bỏ phiếu; đối với những nơi không có đơn vị hành chính cấp xã thì UBND cấp huyện lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu.
UBND các cấp có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và tổ chức triển khai công tác bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho cuộc bầu cử.
Trách nhiệm của MTTQ Việt Nam đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp được quy định như thế nào?
MTTQ Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp, tham gia cùng UBND, Thường trực HĐND cùng cấp thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.
(Còn nữa)