Doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo
Sáng 7/1, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần coi DN là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành Công thương để tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho người dân và DNtrong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: THỐNG NHẤT |
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu với giá trị 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.
Các ngành công nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế. Hoạt động hội nhập quốc tế không những được duy trì trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu mà còn được thúc đẩy với nhiều phương thức mới với các sáng kiến mới của Việt Nam được quốc tế và khu vực đồng thuận, đánh giá cao. Công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đạt được kết quả quan trọng, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ những tồn tại cần khắc phục của ngành Công thương, đồng thời yêu cầu ngành xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách với tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Thủ tướng lưu ý cần nâng cao năng suất nội ngành của các ngành công nghiệp; giảm phụ thuộc vào lợi thế không bền vững của nguồn tài nguyên như dầu thô, dầu mỏ, thay vào đó phải chuyển ngành công nghiệp dựa trên khai thác tự nhiên sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh. Ngành cần cơ cấu lại mạnh mẽ ngành công nghiệp, bám vào tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Năm 2021, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6%. Chính phủ phấn đấu đạt tăng trưởng 6,5% với các động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư. Để “cỗ xe tam mã” này tiếp tục phát huy trong năm 2021 với quy mô lớn hơn, Thủ tướng đề nghị ngành Công thương tiếp tục phấn đấu đạt kết quả mọi mặt tốt hơn năm 2020, tổ chức thực hiện tốt phương châm “đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” để phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước.
QUANG VŨ