NGÀY LÀM VIỆC THỨ 5, ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG

Tiếp tục nghiên cứu, thảo luận về nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII

Thứ Sáu, 29/01/2021, 20:38 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 29/1, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bước vào ngày làm việc thứ năm. Buổi sáng, các đại biểu làm việc tại Đoàn để nghiên cứu về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành, nghiên cứu danh sách ứng cử, đề cử về các hồ sơ nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội trao đổi với đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương và các đại biểu Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong giờ giải lao. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội trao đổi với đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương và các đại biểu Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong giờ giải lao. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Đầu giờ buổi chiều, các đại biểu tiếp tục làm việc tại Đoàn, nghe báo cáo về tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử; các đại biểu tiến hành thủ tục xin rút ý kiến ứng cử, đề cử hoặc xin rút tên khỏi danh sách đề cử. Cuối giờ chiều, Đoàn Chủ tịch nghe các Trưởng Đoàn báo cáo về danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Trong phiên họp chiều 28/1, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là 200 đồng chí (gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết).

Trước đó, trong buổi họp báo trước Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định: Công tác nhân sự khóa XIII đã được chuẩn bị bài bản, cẩn trọng, chặt chẽ, khoa học, dân chủ, làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó và đạt sự thống nhất cao trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Theo Quy định số 214-QĐ/TW (ngày 2/1/2020) của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, chức danh ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn chung, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn: Tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; có ý thức, trách nhiệm cao, kiến thức toàn diện; tích cực tham gia thảo luận, đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương.

Bên cạnh đó, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương còn cần có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công quản lý, phụ trách; có năng lực dự báo, xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, bất ngờ; có khả năng làm việc độc lập; có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước; đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp và tương đương.

Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương phải là những cán bộ trẻ; cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; qua thực tiễn công tác thể hiện có năng lực, triển vọng phát triển về tố chất lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; được quy hoạch chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và lãnh đạo chủ chốt tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương nhiệm kỳ tới và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Tin, ảnh: NGUYỄN ĐỨC
(Từ Hà Nội)

;
.