.

Hướng tới thủ tục hành chính "không giấy tờ"

Cập nhật: 01:45, 01/01/2021 (GMT+7)

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), gắn cải cách TTHC với xây dựng Chính phủ điện tử là định hướng cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ. Thời gian qua, BR-VT đã và đang nỗ lực tăng cường ứng dụng CNTT, tiếp tục nâng tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.

Doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép.
Doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép.
THỦ TỤC NHANH GỌN, TIỆN LỢI
Sở Công thương là đơn vị cung cấp có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho 100% TTHC. Theo đó, năm 2020, Bộ phận tiếp nhận kết quả của Sở Công thương nhận 8.140 hồ sơ trực tuyến trên tổng số 9.550 hồ sơ (đạt 86%). Tỷ lệ này tăng khá mạnh so với năm 2019 (tiếp nhận 5.133 hồ sơ trực tuyến trong tổng 6.229 hồ sơ, đạt 82,4%).
Bà Trần Thị Dung Phương, nhân viên Công ty TNHH Cửa hàng tiện lợi Gia đình Việt Nam Chi nhánh Vũng Tàu cho hay, trụ sở công ty ở TP. Hồ Chí Minh nên muốn đến tỉnh BR-VT nộp thủ tục thì phải đi xe khách hơn 2 tiếng, vừa mất thời gian, lại tốn kém công sức, chi phí. Chưa kể, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, hạn chế đi lại nên việc nộp hồ sơ qua mạng là lựa chọn hợp lý. “Thủ tục nộp hồ sơ trực tuyến đơn giản và thuận tiện. Tôi rất hài lòng với sự tiện lợi, nhanh chóng của dịch vụ công trực tuyến này”, bà Dung Phương chia sẻ.
Tương tự, Cục Hải quan BR-VT đã cung cấp 137/144 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đạt tỷ lệ 95,13% tổng số TTHC ở cấp Cục và Chi cục thực hiện. Năm 2020, tổng số hồ sơ trực tuyến thực hiện tại Cục Hải quan BR-VT là 189.217 hồ sơ, tăng 9.098 hồ sơ so với năm 2019.
Ông Bùi Sỹ Đức, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết, ngành Hải quan thường xuyên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phần mềm điện tử quản lý nghiệp vụ như: thông quan điện tử, thu - nộp thuế điện tử 24/7, giải quyết thủ tục hải quan trên hệ thống một cửa quốc gia, một cửa ASEAN… qua các phần mềm ứng dụng CNTT, tạo thuận tiện cho DN trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Từ năm 2010, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đến nay, 19 sở, ban, ngành; 8 huyện, thị xã, thành phố và 82 đơn vị cấp xã triển khai thực hiện và đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 1.346 TTHC, mức độ 4 đối với 1.101 thủ tục. Theo đó, BR-VT đã đạt 57% về tỷ lệ cung ứng dịch vụ công mức độ 3, 4, vượt chỉ tiêu theo quy định của Chính phủ, Bộ TT-TT và UBND tỉnh.
Người dân làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.
Người dân làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.
XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ
Từ 10/6/2020, Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh BR-VT chính thức được đưa vào sử dụng tại địa chỉ: www.dichvucong.baria-vungtau.gov.vn. Đến ngày 8/12, UBND tỉnh đã chính thức vận hành phần mềm “Một cửa” điện tử thống nhất, triển khai đồng bộ cho các sở, ban, ngành và các địa phương nhằm thay thế phần mềm Một cửa điện tử VNPT đang triển khai tạm thời trên địa bàn tỉnh.
Ngoài việc giúp cho các cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp nhận, giải quyết, theo dõi tình hình tiếp nhận, kết quả giải quyết TTHC, phần mềm một cửa điện tử còn đáp ứng các yêu cầu như: Kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với phần mềm quản lý văn bản và điều hành tỉnh để xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công của tỉnh để tiếp nhận hồ sơ và phản hồi trạng thái giải quyết hồ sơ phục vụ công khai kết quả giải quyết TTHC và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, quốc gia; kết nối với hệ thống chuyển phát nhanh VNPOST hỗ trợ trả kết quả qua bưu điện...
Ông Lê Việt Trung, Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, để đưa vào vận hành phần mềm “Một cửa” điện tử thống nhất, đơn vị đã trang bị đầy đủ phần mềm dùng chung cho cán bộ, công chức của các sở, ban, ngành và UBND các cấp thuộc UBND tỉnh, hoàn thành việc kết nối nền tảng Chính quyền điện tử với nền tảng Chính phủ điện tử.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các cơ quan Nhà nước, nâng cao tỷ lệ cung cấp dịch vụ công và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh, Sở TT-TT đang tham mưu UBND tỉnh nhiều giải pháp. Cụ thể như: bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, nền tảng ứng dụng sẵn sàng phục vụ công tác cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; cập nhật, xây dựng tài liệu giới thiệu và tài liệu hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến với hình thức đa dạng, ngắn gọn, dễ hiểu đăng tải trên trang thông tin điện tử, màn hình hiển thị tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã.
Bà Lưu Thị Hồng, công chức Sở Công thương hướng dẫn người dân làm TTHC trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Bà Lưu Thị Hồng, công chức Sở Công thương hướng dẫn người dân làm TTHC trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Mặt khác, công chức tiếp nhận hồ sơ cũng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người dân, DN đăng ký hồ sơ trực tuyến; tham mưu UBND tỉnh ban hành Danh mục dịch vụ công mức độ 3, 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình phải nộp hồ sơ trực tuyến, không tiếp nhận hồ sơ giấy đối với cơ quan nhà nước, các tổ chức, DN, nhất là các thủ tục đơn giản, dễ thực hiện, phát sinh hồ sơ nhiều”, ông Lê Việt Trung thông tin.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG
.
.
.