ĐỢT HỌP THỨ 2, KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Phòng ngừa thiên tai là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển

Thứ Hai, 02/11/2020, 22:11 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 2/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường mở đầu đợt hai của Kỳ họp.

Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT Nguyễn Thị Yến phát biểu tại Tổ sáng 2/11 về các vấn đề kinh tế - xã hội.
Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT Nguyễn Thị Yến phát biểu tại Tổ sáng 2/11 về các vấn đề kinh tế - xã hội.

QUYẾT ĐỊNH NHIỀU NỘI DUNG QUAN TRỌNG

Phát biểu mở đầu Đợt 2 của Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đến nay, Kỳ họp thứ 10 đã đi được 1 phần 3 chặng đường với 6 ngày làm việc rút ngắn được 1 ngày so với dự kiến ban đầu, hoàn thành tốt chương trình nghị sự của Đợt 1. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc họp trực tuyến được tổ chức thực hiện chu đáo, các nội dung đã diễn ra thông suốt, bảo đảm tiến độ, chất lượng và có hiệu quả.

Về nội dung Đợt 2 của Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung rất quan trọng. Đó là Quốc hội sẽ thông qua các Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, Nghị quyết kỳ họp... trong đó những chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giúp nền kinh tế vượt qua các khó khăn do thiên tai, đại dịch gây ra; Quốc hội sẽ xem xét quyết định các vấn đề về nhân sự; Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Đồng thời, tiến hành thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và một số nội dung quan trọng khác.

Cũng tại phiên họp tập trung, Quốc hội đã dành một phút mặc niệm để tưởng niệm đồng bào tử nạn, cán bộ hy sinh do bão lũ. 

DI DÂN RA KHỎI VÙNG CÓ NGUY CƠ SẠT LỞ, VÙI LẤP DO THIÊN TAI

Trong sáng 2/11, Quốc hội tổ chức phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội. Tại phiên thảo luận, vấn đề bão lũ miền Trung  được nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, khi thảo luận mà không gắn với nội dung khắc phục hậu quả và phòng chống thiên tai là chưa đầy đủ. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu bàn các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai ở các tỉnh miền Trung. 

Trước tình hình thiên tai ở miền Trung, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp, ngành trước mắt cần tiếp tục hỗ trợ lương thực, thuốc men cho nhân dân. Đảm bảo sau khi nước rút dịch bệnh không bị bùng phát, nhân dân sớm vượt qua những khó khăn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng vẫn phải tiếp tục tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp, ngư dân mất tích ngoài biển…

Theo Chủ tịch Quốc hội, phải lồng ghép nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển cho cả nhiệm kỳ tới. Đây là trách nhiệm rất nặng nề mà Chính phủ phải chỉ đạo các cơ quan, trong đó có Bộ NN-PTNT tham mưu xây dựng kế hoạch. Trong đó có việc phải chủ động di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùi lấp do thiên tai, không để thời gian tới vẫn có những vụ vùi lấp như vừa qua. “Tôi đề nghị Quốc hội phải bàn về việc này để chúng ta thông qua Nghị quyết để Chính phủ chủ động ngay trong năm 2021 di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùi lấp do thiên tai và hàng năm ngân sách Trung ương, địa phương phải chú ý vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

LO THỦY ĐIỆN NHỎ GÂY THÊM HẬU QUẢ THIÊN TAI

ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, các cơ quan chức năng phải thống kê, đánh giá lại toàn bộ hệ thống thủy điện, hồ đập. Bởi theo đại biểu, các thủy điện thời gian qua đã đóng góp ngân sách thế nào thì chưa biết, nhưng hệ lụy của họ mang lại thì đã thấy rõ. Cụ thể về mùa khô thủy điện giữ nước lại, dẫn đến việc dân không có nước sản xuất; còn về mùa mưa, sợ vỡ đập, thủy điện xả nước khiến dân dưới hạ nguồn lãnh đủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đề cập đến tình trạng sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ vừa qua, Thủ tướng cho rằng do kết cấu địa chất ở khu vực đó đất sét là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, cần đánh giá toàn diện hơn để có biện pháp hạn chế tối đa tác động của con người, nhất là, phải xem xét vấn đề thủy điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng. “Quốc hội có nghị quyết là những công trình nào lấy đất rừng thì phải trình ra Quốc hội. Hôm nay, Chính phủ trình ra Quốc hội đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Hồ chứa nước Sông Than, tỉnh Ninh Thuận và dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An. 2 công trình đó đúng là lấy 1 ít đất rừng nhưng có tác dụng rất lớn để giải quyết nước uống sinh hoạt, nước sản xuất cho người dân. Còn những công trình thủy điện nhỏ, tôi đồng ý với các đồng chí là cần rất hạn chế”, Thủ tướng nói.

Giải ngân chậm vốn ODA làm gia tăng sức ép về nợ công
Trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, Kỳ họp Quốc hội thứ 10, tại phiên thảo luận tổ, Đoàn Đại biểu QH tỉnh BR-VT đã tham gia nhiều ý kiến. Thảo luận về kinh tế - xã hội, khi đề cập đến tình hình nợ công, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh cho rằng, thời gian qua, tỷ lệ nợ công đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, nợ Chính phủ có xu hướng tăng. Do đó, Chính phủ cần giải pháp để điều tiết, điều hành hiệu quả, kiểm soát nợ. Đại biểu Nguyễn Thị Yến bày tỏ lo ngại về tình hình giải ngân vốn ODA (đến nay tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 30%). “ODA là vốn vay nước ngoài. Vậy nên, vay mà không giải ngân được thì chúng ta vẫn phải trả lãi. Tôi cho rằng, trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Chính phủ phải có giải pháp đột phá và hiệu quả để đẩy nhanh giải ngân vốn ODA” - đại biểu Nguyễn Thị Yến nói.

PHAN THẢO

;
.