.

Về đích công tác giảm nghèo

Cập nhật: 11:15, 06/08/2020 (GMT+7)

Từ 2.174 hộ nghèo/tổng số 19.217 hộ dân đầu nhiệm kỳ 2015-2020, đến nay, huyện Đất Đỏ chỉ còn 166 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,08% tổng số hộ toàn huyện. Đạt được kết quả trên là nhờ Đảng bộ huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, cùng với ý thức nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân trên địa bàn.

Khi kinh tế ổn định, bà Võ Thị Huyền Trang (ở số 51A Ô11, KP.Thanh Long, TT.Đất Đỏ)  đã viết đơn xin thoát nghèo. Trong ảnh: Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH bà Trang đã đầu tư vào nghề đan giỏ lục bình.
Khi kinh tế ổn định, bà Võ Thị Huyền Trang (ở số 51A Ô11, KP.Thanh Long, TT.Đất Đỏ) đã viết đơn xin thoát nghèo. Trong ảnh: Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH bà Trang đã đầu tư vào nghề đan giỏ lục bình.

BIẾN ƯỚC MƠ THÀNH HIỆN THỰC

5 năm qua, huyện Đất Đỏ đã tập trung phát huy thế mạnh để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất, nông nghiệp theo hướng hàng hóa... Đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, để tạo cho người dân có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống, các cấp hội, đoàn thể trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển các mô hình sản xuất. 

Năm 1997, ông Lê Hồng Hà rời quê Quảng Ngãi đến lập nghiệp tại ấp Tân Hòa, xã Long Tân. Từ số tiền dành dụm mang theo, ông mua được 5.000m2 đất nông nghiệp. Trên diện tích đất ấy, ông trồng mì, bắp. Tuy nhiên, nguồn thu từ 2 loại cây trên không đáng kể. Nhận thấy thổ nhưỡng Long Tân phù hợp trồng tiêu, năm 2000, ông phá bỏ vườn mì, bắp, xuống gần 1.000 trụ tiêu. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên cây tiêu thường xuyên bệnh, năng suất thấp.

Năm 2013, ông Hà được Hội Nông dân hỗ trợ tiếp cận vốn Ngân hàng CSXH vay 20 triệu đồng. Cộng với nguồn vốn dành dụm, ông mua 2 con bò, 2 con dê. Qua từng năm, dê, bò sinh sản, ông bán con non mua thêm con trưởng thành. Đến nay, đàn bò đã phát triển lên 4 con và 7 con dê sinh sản.

Hôm chúng tôi đến thăm đúng lúc ông đang cho bò, dê ăn. Ông khoe, nhà mới xây cuối năm rồi hết 350 triệu đồng. “Chi tiêu trong gia đình giờ cũng không quá áp lực nữa nhờ nguồn thu nhập gần 70 triệu đồng/năm từ vườn tiêu. Bên cạnh đó, đàn dê, bò phát triển rất tốt. Sáng nay, tôi vừa bán 4 con dê được gần 15 triệu đồng để mua cho con trai lớn chiếc xe máy 50 phân khối đi học lớp 10 tại TT.Đất Đỏ”, ông Hà phấn khởi khoe.

Bà Võ Thị Huyền Trang (ở số 51A Ô11, KP.Thanh Long, TT.Đất Đỏ) cũng được vay vốn hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế từ Ngân hàng CSXH để đầu tư vào chăn nuôi và nghề đan giỏ lục bình. Bà Trang kể, năm 1998, bà rời quê Tiền Giang về quê chồng ở Đất Đỏ sinh sống. Được bố mẹ chồng cho đất làm nhà, ổn định chỗ ở nhưng không có đất sản xuất, chồng lại hay đau ốm, con cái dù đã lớn nhưng chưa đỡ đần được bà về kinh tế. Qua Hội Phụ nữ, bà được tiếp cận vay vốn Ngân hàng CSXH để nuôi bò. Chắt chiu tích lũy, đến năm 2016, bà đã trả hết nợ. Cũng trong năm này, bà được hỗ trợ 150 con gà thịt từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. “Chăm 4 tháng, tôi bán được gần 18 triệu đồng. Tôi lại đầu tư nuôi bò. Đến nay đàn bò đã được 4 con”, bà Trang nói.

Giai đoạn 2016-2020, tổng số vốn tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay để phát triển sản xuất là 457,7 tỷ đồng/17.272 lượt hộ vay. Giải quyết việc làm cho 18.239 lượt lao động, trong đó có 9.910 việc làm mới. 1.055 lao động nông thôn đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,84%. Các chính sách BHXH, BHYT triển khai tích cực, tỷ lệ người tham gia BHXH chiếm 18% lực lượng lao động, tăng 6% so với năm 2015. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 85%, tăng 29% so với năm 2015. Từ nguồn vận động cá nhân, tổ chức đã xây mới và sửa chữa 157 nhà “Đại đoàn kết” với kinh phí 8,1 tỷ đồng. Xây mới 22 căn nhà và 30 nhà vệ sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng.

CHĂM LO TOÀN DIỆN CUỘC SỐNG NGƯỜI DÂN

Theo đồng chí Đỗ Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ, bên cạnh tạo cần câu cơm, giúp nhiều người thoát nghèo, huyện còn chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Trong những năm qua đã có hàng trăm công trình được xây dựng. Trong đó, đường giao thông nông thôn được nâng cấp, đầu tư mới đến tận nhà dân. Các chợ truyền thống được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân địa phương và các vùng lân cận. Hệ thống trường học phát triển rộng khắp. Mạng lưới y tế cũng được đầu tư đồng bộ bảo đảm nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Các thiết chế văn hóa đầy đủ, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân. Công tác quản lý, bảo vệ môi trường, phát động phong trào bảo vệ, cải tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp được thực hiện thường xuyên. Những việc làm trên đã mang đến diện mạo khang trang, hiện đại hơn cho địa phương. Đến nay, toàn huyện có 98,80% hộ gia đình, 100% ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn “văn hóa nông thôn mới”, “văn minh đô thị”.

Đồng chí Đỗ Thị Hồng cho biết thêm, thời gian tới, huyện Đất Đỏ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân về thu nhập, môi trường, chất lượng giáo dục, y tế, hưởng thụ văn hóa, hoạt động thể dục thể thao. Xây dựng người dân huyện Đất Đỏ thân thiện, có đạo đức, văn hóa và ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp. Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách và huy động các nguồn lực xã hội chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công cách mạng và gia đình chính sách. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội theo hướng mở rộng đối tượng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp với mọi hình thức. Thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập. Tập trung nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, cơ bản không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia; tăng cường tuyên truyền nhân dân tham gia chính sách BHXH, BHYT.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

.
.
.