Đầu tư có chiều sâu để phát triển các loại hình kinh tế
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đóng góp vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025. Tại hội nghị, các nhà báo đã đóng góp nhiều ý kiến về xây dựng đội ngũ nhân lực, đầu tư phát triển cảng biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại xã An Ngãi, huyện Long Điền. Ảnh: KIM HỒNG |
Nhà báo Lê Anh Tuấn (Báo Nhân Dân) phân tích: Trong nhiệm kỳ qua, cùng với công nghiệp, cảng biển và du lịch, tỉnh BR-VT xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những trụ cột giúp địa phương duy trì và gia tăng tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, thực tế, làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không dễ dàng bởi vốn đầu tư lớn. DN phải vừa lo sản xuất vừa thấp thỏm về đầu ra của sản phẩm nên khó thành công. Đặc biệt, để đầu tư bài bản, DN cần có quỹ đất lớn. Tuy nhiên, DN khó tiếp cận quỹ đất, đòi hỏi có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo ông Tuấn, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh BR-VT thường có quy mô nhỏ, với diện tích trung bình từ 1 đến 5ha. Một DN cho biết: dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn rất khó tiếp cận, nhất là những chính sách về vốn, đất đai. Điển hình như tại huyện Châu Đức, huyện có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng giá trị các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng chỉ chiếm 15,2% tổng giá trị ngành nông nghiệp. “Vì vậy, BR-VT cần chú trọng phát triển các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cho hiệu quả kinh tế cao, hơn là chạy theo các giải pháp công nghệ cao nhưng hiệu quả chưa cao”, ông Tuấn nêu ý kiến.
Nhà báo Lê Đình Thìn (Báo Tuổi Trẻ) cho rằng, Dự thảo Báo cáo cần nhấn mạnh hơn đến việc lấy con người làm trung tâm, từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, người lao động trong tỉnh có năng lực chuyên môn, đạo đức để phục vụ nhân dân, DN. Mặt khác, tỉnh cần nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi công vụ; tuyển chọn, bổ nhiệm những cán bộ dám nghĩ dám làm để thực hiện thành công các mục tiêu nghị quyết đề ra. Ngoài ra, lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính cần đưa thành một ý lớn, thực hiện quyết liệt để tạo thuận lợi cho sự phát triển của địa phương. Trong đó, cần có những giải pháp cụ thể hơn nữa để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Nhà báo Nguyễn Hồng Hải, biên tập viên Truyền hình Quốc hội cho rằng, Dự thảo cần nêu cụ thể hơn các nội dung về cảng biển, phát triển du lịch tuyến ven biển, các dự án đẳng cấp cùng các sản phẩm độc đáo, điểm nhấn hấp dẫn du khách dài ngày khi đến BR-VT. Đồng thời, đầu tư nâng chất lượng cơ sở đào tạo của tỉnh để sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho các dự án khi đi vào hoạt động.
Góp ý thêm về việc phát triển đa dạng các loại hình du lịch, nhà báo Nguyễn Xuân Đức, Trưởng đại diện Văn phòng Báo Thanh Niên khu vực Đông Nam Bộ đề xuất BR-VT cần đầu tư các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, xã hội hóa bệnh viện chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Theo ông Đức, BR-VT có điều kiện về khí hậu, môi trường sống lý tưởng, thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, du lịch BR-VT chưa có sự đột phá lớn. Do đó, BR-VT cần nghiên cứu phát triển loại hình du lịch có tính đặc thù riêng để tạo nét khác biệt với các địa phương khác. Trong khi đó, tại Vũng Tàu cũng chưa có bệnh viện chuyên khoa xứng tầm. Nhiều người dân có xu hướng xin chuyển viện vượt tuyến lên các bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh để điều trị, dù có khi chỉ là bệnh nhẹ. “Tôi cho rằng BR-VT nên có dự án bệnh viện xã hội hóa, có trang thiết bị và cơ sở vật chất xứng tầm, đội ngũ y bác sỹ giỏi để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh”, ông Đức nói.
HUYỀN TRANG