Nỗ lực xử lý bom mìn sót lại sau chiến tranh
Thời gian qua, lực lượng công binh của tỉnh không quản vất vả, hiểm nguy, nỗ lực rà soát, tháo gỡ nhiều quả bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh tại một số địa bàn trong tỉnh. Qua đó góp phần bảo đảm an toàn cho người dân và xã hội.
Đại đội Công binh 46 tháo dỡ thành công quả bom phá tại khu vực suối Hốp (tổ 3, ấp Bàu Ngứa, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) hồi cuối tháng 6/2020. |
THÁO GỠ AN TOÀN NHIỀU QUẢ BOM
Ngày 20/6 vừa qua, trong quá trình đào gốc cây bên bờ suối Hốp (thuộc địa phận tổ 3, ấp Bàu Ngứa, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc), ông Huỳnh Văn Diêm đã phát hiện quả bom nằm ở độ sâu gần 2m. Ngay sau khi có thông tin trình báo, Ban CHQS xã Tân Lâm đã khoanh vùng, bảo vệ hiện trường, đồng thời báo cho Ban Công binh Bộ CHQS tỉnh khẩn trương lập kế hoạch, triển khai lực lượng kịp thời có mặt, xử lý khẩn trương, hạn chế tối đa nguy hiểm cho khu vực xung quanh. Việc tháo gỡ quả bom này đã được các cán bộ, chiến sĩ Đại đội Công binh 46 (Phòng Tham mưu Bộ CHQS tỉnh) xử lý một cách nhanh chóng và an toàn.
Lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán sau khi cùng đồng đội vất vả tháo dỡ, di chuyển quả bom phá dài 1,2m, đường kính 34cm, nặng gần 340kg và đưa lên xe tải một cách an toàn, Trung sĩ Nguyễn Quang Tùng, Tiểu đội 7, Đại đội Công binh 46 chia sẻ: “Công việc này đòi hỏi phải hết sức thận trọng khi xử lý, tháo gỡ. Nếu xảy ra sơ suất, không chỉ nguy hiểm bản thân, mà có khi còn ảnh hưởng tới người dân xung quanh khu vực”.
Song song với công tác rà phá, tháo gỡ, Ban Công binh cũng phối hợp với Phòng Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh thực hiện tốt hoạt động “tiêu diệt” những “thần chết” còn sót lại sau chiến tranh. Mỗi khi tháo gỡ thành công, số bom, mìn, đạn, pháo và vật liệu nổ đều được bảo quản cẩn thận ở kho tạm chứa của Bộ CHQS tỉnh tại Trung đoàn Minh Đạm, sau đó tiến hành đem đi tiêu hủy tại Trường bắn Quốc gia khu vực 3 (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) vào tháng 12 hàng năm.
Trung tá Đỗ Văn Tứ, Trưởng Ban Công binh Bộ CHQS tỉnh cho biết, công tác rà phá, thu gom, xử lý bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh là công việc rất nguy hiểm, sẽ không cho phép rút kinh nghiệm nếu để xảy ra sai sót, mất an toàn nên cán bộ, chiến sĩ làm công tác này phải được huấn luyện thuần thục, sát thực tiễn. Bên cạnh đó, trước khi thực hiện nhiệm vụ rà phá, xử lý bom mìn, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành khảo sát kỹ địa hình, thời tiết, đặc điểm dân cư… để bảo đảm an toàn về mọi mặt.
TIẾP TỤC RÀ SOÁT, XỬ LÝ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có đến 21,67% diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, chủ yếu tập trung nhiều ở những nơi trước đây có căn cứ của địch và các khu vực diễn ra các trận đánh ác liệt như: xã Tân Lâm, Bàu Lâm, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), xã Láng Dài, Long Tân, Lộc An (huyện Đất Đỏ), phường Phước Hòa, xã Sông Xoài (TX.Phú Mỹ).
Theo Trung tá Đỗ Văn Tứ, mặc dù thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào liên quan đến vật liệu nổ tồn đọng sau chiến tranh, tuy nhiên không phải vì thế mà các cơ quan, tổ chức, DN và mỗi người dân chủ quan, xem nhẹ. “Do đó khi phát hiện vật nổ, một trong những yêu cầu đặt ra là người dân phải giữ nguyên hiện trường, đồng thời thông báo ngay với chính quyền địa phương nơi gần nhất để phối hợp tháo gỡ, tiêu hủy an toàn. Ngoài ra, trước khi xây dựng công trình, dự án trên các khu đất trống, DN, cơ sở liên hệ với Bộ CHQS tỉnh để được hướng dẫn quy trình tiến hành rà soát xem có bom mìn, vật nổ ở phía dưới hay không để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện”, Trung tá Đỗ Văn Tứ nói.
Bài, ảnh: MINH NHÂN