.
XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH

Người dân là trung tâm

Cập nhật: 22:26, 17/06/2020 (GMT+7)

Đây là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo “Giải pháp triển khai, xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh” do Tỉnh ủy tổ chức sáng 17/6. Các ông: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo.

Giáo viên Trường TH Trương Công Định (TP. Vũng Tàu) sử dụng ứng dụng VnEdu, một trong những phần mềm thông minh của ngành giáo dục.
Giáo viên Trường TH Trương Công Định (TP. Vũng Tàu) sử dụng ứng dụng VnEdu, một trong những phần mềm thông minh của ngành giáo dục.

Hội thảo nhằm đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025.

ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CNTT

Ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Sở TT-TT cho biết, thời gian qua, toàn tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đẩy nhanh việc triển khai đô thị thông minh (ĐTTM), hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm gắn kết giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, lấy người dân, DN làm trung tâm. Theo kết quả xếp hạng mức độ sẵn sàng về CNTT - truyền thông (ICT Index) năm 2019, về tổng thể tỉnh BR-VT xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là bước đệm tốt để triển khai xây dựng ĐTTM. 

Theo Nghị quyết số 112/2019/NQ-HĐND về việc thông qua “Đề án Phát triển ĐTTM tỉnh BR-VT giai đoạn 2020-2022, định hướng đến 2025, tầm nhìn đến 2030”, tỉnh BR-VT phát triển ĐTTM hướng đến mục tiêu tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mục tiêu của BR-VT là lọt vào top đầu cả nước về ứng dụng CNTT; đồng thời thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, ĐTTM. Từ ngày 1/7/2017, toàn bộ các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã chấm dứt việc chuyển văn bản giấy. Ngoài ra, các đơn vị cũng tăng cường ứng dụng chữ ký số; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh... 

Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, thành phố, huyện, xã, phường trên địa bàn tỉnh đã xử lý văn bản hoàn toàn trên mạng Internet bằng phần mềm eOffice và liên thông văn bản 4 cấp (từ xã đến Chính phủ); tích hợp chữ ký số trong xử lý văn bản; 100% phường, xã, huyện, thành phố ứng dụng phần mềm một cửa điện tử trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ TTHC liên thông. Các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được cấp phát với hơn 8.000 tài khoản người dùng. Tháng 1/2020, UBND tỉnh cũng đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh BR-VT và kết nối đồng bộ với Cổng dịch vụ công Chính phủ, trong đó công khai việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC của từng cá nhân, tổ chức trên môi trường trực tuyến.

ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng cần thực hiện, giúp người dân được thụ hưởng các lợi ích thiết thực từ ĐTTM. Thạc sĩ Phạm Minh Hải, Phó Giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển GTVT - Viện chiến lược phát triển GTVT (Bộ GT-VT) cho rằng, để trở thành ĐTTM, BR-VT cần có hệ thống “giao thông thông minh”. Theo đó, phải xây dựng được hệ thống thông tin quản lý điều hành về giao thông; xây dựng mạng lưới camera, thiết bị đo mật độ giao thông… để giám sát tình hình giao thông tại các nút, đường giao thông quan trọng của tỉnh; hỗ trợ công tác giám sát, điều khiển giao thông, xử lý tai nạn giao thông; tích hợp hệ thống camera trên toàn tỉnh và hệ thống phần mềm hỗ trợ các tính năng thông minh. 

Ngoài ra, BR-VT là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước hiện đang quản lý 1.130 cơ sở lưu trú và 33 đơn vị du lịch lữ hành, 92 thẻ HDV du lịch nên mô hình “du lịch thông minh” cũng phải là yếu tố quan tâm hàng đầu để tiến tới xây dựng ĐTTM. Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP tiến bộ quốc tế AIC, trong đó quan trọng nhất là hệ thống quản lý thông tin ngành du lịch với 16 hệ cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: Quản lý hướng dẫn viên, quản lý các sản phẩm du lịch, quản lý các điểm vui chơi giải trí, quản lý phản hồi từ khách du lịch… Từ đó, sẽ thấy tiện ích cho người dân và du khách là được cung cấp thông tin quảng bá du lịch, các điểm vui chơi giải trí, khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống, lập kế hoạch du lịch. Còn đối với DN sẽ có cơ hội quảng bá, tiếp cận sản phẩm mà DN đang kinh doanh đến du khách thông qua kênh chính thống của tỉnh… 

Theo TS. Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng viện CNTT - Viện hàn lâm KH-CN Việt Nam, để xây dựng ĐTTM cần tập trung vào 6 lĩnh vực: Kinh tế thông minh; dịch chuyển thông minh; môi trường thông minh; quản trị thông minh; cuộc sống thông minh; người dân thông minh. “Tuy nhiên, không có tỉnh, thành phố nào có đủ nguồn lực để phát triển cân bằng, toàn diện 6 lĩnh vực cùng lúc. Do đó, BR-VT cần xác định mục tiêu của tỉnh để tập trung nguồn lực đầu tư thực hiện các dự án, nhiệm vụ của tỉnh ưu tiên phục vụ mô hình ĐTTM như giáo dục thông minh, y tế thông minh, du lịch thông minh, môi trường thông minh… góp phần hướng đến xây dựng BR-VT có môi trường, cuộc sống tươi đẹp với nền kinh tế tri thức phát triển bền vững”, TS. Nguyễn Trường Thắng đề xuất.

ÔNG TRẦN VĂN TUẤN, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH
Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước
Xây dựng ĐTTM tức là ứng dụng CNTT - truyền thông (ICT) và các giải pháp đồng bộ vào các ngành kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý nhà nước, CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh… Mục tiêu của ĐTTM là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên nhiều lĩnh vực và quy mô khác nhau. Tuy nhiên, quá trình xây dựng ĐTTM phải có sự kế thừa và phát huy thành quả ứng dụng CNTT trước đó, tránh đầu tư trùng lắp gây lãng phí xã hội. Trong đó, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT cho ĐTTM và lựa chọn các lĩnh vực phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
 

 

 

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.