Ngày 26/5/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 15-HD/TU về việc tổ chức thảo luận, tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII. Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đăng toàn văn hướng dẫn như sau:
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 256-KH/TU, ngày 27/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hướng dẫn việc tổ chức thảo luận, tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII như sau:
I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Việc thảo luận, tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá VI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần VII nhằm tập hợp trí tuệ, phát huy tinh thần dân chủ, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của tỉnh; qua đó tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ, toàn dân; giúp các cấp ủy nắm được xu hướng tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, đảng viên để bổ sung, chỉnh sửa Báo cáo chính trị cho sát với tình hình thực tiễn và xu hướng phát triển tiến bộ của xã hội.
- Tiếp thu, chắt lọc trí tuệ, kinh nghiệm, ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp Nhân dân để hoàn thiện, nâng cao chất lượng Báo cáo chính trị, góp phần chuẩn bị chu đáo các nội dung của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
2. Yêu cầu
- Bám sát nội dung gợi ý thảo luận của Tỉnh ủy gắn với yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống để góp ý một cách cụ thể vào dự thảo Báo cáo chính trị. Các cấp ủy đảng, đoàn thể thực hiện việc tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác ý kiến thảo luận tại đại hội, các hội nghị và ý kiến tham gia của các tầng lớp Nhân dân.
- Ý kiến thảo luận phải được phân định, sắp xếp và tổng hợp theo nhóm nội dung các vấn đề đã được hướng dẫn thảo luận và trình tự bố cục, tiêu đề trong dự thảo Báo cáo chính trị.
- Bản tổng hợp phải đầy đủ, trung thực, vừa phải có tính khái quát, vừa phải cụ thể, thể hiện đúng tinh thần của các ý kiến và làm rõ xu hướng của các loại ý kiến đối với vấn đề thảo luận; nêu rõ lập luận của những ý kiến cá biệt có nội dung sâu sắc, nhưng không bình luận, nhận xét theo ý kiến chủ quan của người tổng hợp.
- Mỗi cấp ủy và các đơn vị được giao chủ trì việc lấy ý kiến lập một báo cáo tổng hợp ý kiến của đại hội đảng bộ cấp mình và ý kiến của các tầng lớp Nhân dân tham gia vào dự thảo Báo cáo chính trị, gửi về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Văn phòng Tỉnh ủy) ngay sau khi kết thúc đại hội và hội nghị lấy ý kiến đóng góp.
II- NỘI DUNG THẢO LUẬN, TỔNG HỢP
1. Tài liệu đóng góp ý kiến: Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025.
2. Nội dung thảo luận, góp ý
2 .1. Về kết cấu của Dự thảo Báo cáo chính trị đưa ra lấy ý kiến góp ý , bao gồm:
- Chủ đề Báo cáo chính trị.
- Phần thứ nhất. Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020, bao gồm:
+ Phát triển kinh tế.
+ Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội.
+ Phát triển các vùng kinh tế của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; liên kết vùng.
+ Quốc phòng, an ninh; cải cách tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo.
+ Công tác đối ngoại.
+ Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.
+ Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể.
+ Công tác xây dựng Đảng.
+ Đánh giá tổng quan việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI.
+ Một số kinh nghiệm.
- Phần thứ hai: Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm:
+ Dự báo tình hình trong 5 năm tới.
+ Một số quan điểm, định hướng lớn.
+ Mục tiêu tổng quát.
+ Các chỉ tiêu chủ yếu.
+ Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
+ Các khâu đột phá trong nhiệm kỳ.
2.2. Về nội dung của Dự thảo Báo cáo chính trị: Tập trung thảo luận, góp ý kiến đối với các vấn đề sau:
- Chủ đề Báo cáo chính trị đã hợp lý và bao quát, làm nổi bật các mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025 của tỉnh chưa, cần thêm, bớt, bổ sung nội dung nào không hoặc chỉnh sửa như thế nào?
- Phần thứ nhất “Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020”:
+ Đối với những kết quả đạt được: Trong các vấn đề Dự thảo Báo cáo chính trị đánh giá, có lĩnh vực quan trọng nào đã làm nhưng chưa được phản ánh hoặc nhận định chưa khái quát, chưa rõ; việc thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đã được đánh giá đầy đủ chưa? Đề nghị góp ý bổ sung hoặc sửa đổi cụ thể.
+ Dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu các nhóm hạn chế, khuyết điểm, có khuyết điểm nào được cho là quan trọng cần đánh giá nhưng chưa được đề cập? Đề nghị góp ý bổ sung hoặc sửa đổi cụ thể.
+ Ngoài các nhóm nguyên nhân cơ bản đã nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị dẫn đến các hạn chế, khuyết điểm, còn nguyên nhân nào khác? Đề nghị góp ý bổ sung hoặc sửa đổi cụ thể.
+ Các nhận định, đánh giá tổng quát và các bài học kinh nghiệm đã nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị có nội dung nào cần điều chỉnh, bổ sung? Đề nghị góp ý bổ sung hoặc sửa đổi cụ thể.
- Phần thứ hai “Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu" trong nhiệm kỳ 2020-2025:
+ Dự báo tình hình trong 5 năm tới đã sát đúng với thực tế chưa, còn yếu tố, thời cơ, thuận lợi, thách thức nào chưa được dự báo không? Đề nghị góp ý bổ sung hoặc sửa đổi cụ thể.
+ Một số quan điểm, định hướng lớn và mục tiêu tổng quát đã hợp lý và bao quát các mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025 của tỉnh chưa, cần thêm, bớt thế nào?
+ Các mục tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, quốc phòng, an ninh, xây dựng chính quyền, xây dựng Mặt trận và các đoàn thể, công tác xây dựng Đảng nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị đã hợp lý chưa, có cần bổ sung, điều chỉnh mục tiêu nào không? Đề nghị góp ý bổ sung hoặc sửa đổi cụ thể.
+ Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị đã sát hợp với tình hình thực tế của tỉnh chưa, có khả thi không? Đề nghị góp ý bổ sung hoặc sửa đổi cụ thể.
+ Các khâu đột phá đã đầy đủ chưa, có thật sự là nội dung cần phải tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm tạo sự đột phá trong nhiệm kỳ tới không, có khả thi không.
3. Về cách thức triển khai tổ chức thảo luận
3.1. Tổ chức thảo luận tại 14 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp trước khi tổ chức đại hội và tại đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương.
3.2. Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy tổ chức lấy ý kiến các đảng viên nguyên là: Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh.
3.3. Đảng đoàn HĐND tỉnh tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu nguyên là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
3.4. Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức lấy ý kiến các chức sắc tôn giáo, các nhân sĩ, trí thức và các đại biểu thuộc khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
3.5. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì tham mưu việc công bố dự thảo Báo cáo chính trị trên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; hướng dẫn Nhân dân trong tỉnh thảo luận, đóng góp ý kiến và tổng hợp ý kiến đóng góp của Nhân dân.
* Việc tổ chức thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII tổ chức thực hiện hoàn thành trước ngày 15/8/2020.
4. Về tổng hợp ý kiến đóng góp
4.1. Nội dung tổng hợp Tổng hợp theo nội dung hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho dự thảo Báo cáo chính trị; cần tập trung nêu những vấn đề lớn, quan trọng, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đối với những ý kiến góp ý ngoài nội dung hướng dẫn, nhưng có đề cập trong Báo cáo chính trị thì tổng hợp theo trình tự bố cục, tiêu đề trong dự thảo Báo cáo chính trị.
4.2. Phương pháp tổng hợp
a) Bố cục Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII gồm 3 phần:
- Phần nhận xét chung (có thể không cần tiêu đề): Nêu khái quát về số lượng ý kiến phát biểu, không khí thảo luận (có hay không sôi nổi, trao đổi, tranh luận…); xu hướng chung (nhất trí, không nhất trí…); nhận xét về quá trình chuẩn bị văn kiện, chất lượng văn kiện (tính công phu, nghiêm túc, nội dung, bố cục…).
- Phần tổng hợp ý kiến góp ý về nội dung: Tổng hợp từng vấn đề theo trình tự bố cục của dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII. Trong phần này nếu có ý kiến góp ý, nhận xét chung cho dự thảo Báo cáo chính trị thì có phần những vấn đề chung, trước khi tổng hợp ý kiến của từng vấn đề theo trình tự bố cục của dự thảo Báo cáo. Tương tự, trong mỗi vấn đề nếu có ý kiến góp ý chung thì tổng hợp những ý kiến chung trước khi nêu những góp ý cụ thể cho vấn đề đó.
- Phần đề xuất, kiến nghị: Tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về những vấn đề có liên quan đến nội dung Báo cáo chính trị, quá trình chuẩn bị đại hội và cách lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị.
b) Xác định số lượng và mức độ ý kiến:
- Số lượng ý kiến:
+ Để việc tổng hợp được chính xác, đánh giá được xu hướng của các loại ý kiến, khi tiến hành tổng hợp ý kiến thảo luận ở đại hội đảng bộ và các hội nghị góp ý, cần phản ánh được số lượng ý kiến phát biểu so với số đại biểu tham dự.
+ Đối với đại hội hoặc hội nghị góp ý: Nêu cụ thể số đảng viên, đại biểu tham dự; số lượng ý kiến phát biểu.
+ Đối với đại hội đảng bộ cấp trên, ngoài tổng hợp số lượng ý kiến phát biểu còn phải tổng hợp số lượng ý kiến được tập hợp từ báo cáo của cấp ủy cấp dưới trực tiếp.
+ Đối với ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, phải lượng hóa được số người tham gia ý kiến qua các hội nghị lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và số đơn, thư của Nhân dân tham gia ý kiến gửi đến cấp ủy.
- Mức độ ý kiến:
+ Khi tổng hợp ý kiến đối với từng vấn đề cụ thể, nhất là những vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau, cần cố gắng lượng hóa, thống kê để đánh giá đúng thực chất các loại ý kiến và mức độ của các ý kiến khác nhau.
+ Đối với chi bộ, đảng bộ cơ sở, cần tổng hợp rõ số lượng các loại ý kiến (đồng ý, không đồng ý…).
+ Đối với các ý kiến đóng góp tại đại hội các đảng bộ, các hội nghị, tùy điều kiện cụ thể về số lượng đại biểu, số lượng tổ chức đảng, cơ sở đảng để tổng hợp theo số lượng ý kiến (nếu xác định rõ số lượng) hoặc đánh giá theo các mức độ sau:
* “Hầu hết ý kiến”: Sử dụng khi có khoảng 3/4 trở lên số ý kiến có cùng chính kiến.
* “Đa số ý kiến”: Sử dụng khi có khoảng trên 1/2 đến dưới 3/4 số ý kiến có cùng chính kiến.
* “Nhiều ý kiến”: Sử dụng khi có khoảng trên 1/4 đến dưới 1/2 số ý kiến có cùng chính kiến.
* “Một số ý kiến”: Sử dụng khi có dưới 1/4 số ý kiến có cùng chính kiến.
* “Có ý kiến”: Sử dụng trong trường hợp có một vài ý kiến có sự khác biệt hoặc đáng lưu ý về một vấn đề nào đó.
+ Những ý kiến góp ý bằng văn bản được tổng hợp như ý kiến phát biểu trực tiếp. Đối với những vấn đề cần lấy phiếu biểu quyết thì phải nêu rõ kết quả biểu quyết.
c) Những vấn đề phải phản ánh nguyên văn:
Những ý kiến đề nghị bổ sung, sửa đổi, thay đổi cấu trúc, tiêu đề hoặc một đoạn, một câu, một từ hoặc một cụm từ cần được phản ánh đầy đủ, ghi nguyên văn, đồng thời phải nêu rõ ở dòng, đoạn, trang nào trong dự thảo Báo cáo chính trị. Đối với những ý kiến góp ý có lập luận sâu sắc khác với dự thảo Báo cáo chính trị, cần được ghi lại đầy đủ, chính xác.
d) Trình tự tổng hợp và trách nhiệm tổng hợp:
- Trình tự tổng hợp được thực hiện thứ tự từ đại hội, hội nghị chi bộ, đảng bộ cơ sở lên đảng bộ huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và Đảng bộ tỉnh.
- Đảng bộ cơ sở: Tổng hợp ý kiến của các chi bộ, ý kiến của các đoàn thể, quần chúng Nhân dân và ý kiến thảo luận tại đại hội gửi ban chấp hành đảng bộ huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
- Đảng bộ các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy: Tổng hợp ý kiến của đảng bộ cơ sở, ý kiến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, ý kiến thảo luận tại đại hội cấp mình gửi về Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (qua Văn phòng Tỉnh ủy) ngay sau khi đại hội kết thúc.
- Văn phòng Tỉnh ủy tổng hợp ý kiến của các đồng chí nguyên Lãnh đạo tỉnh.
- Đảng đoàn HĐND tỉnh tổng hợp ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, nguyên đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
- Ban Dân vận Tỉnh ủy tổng hợp ý kiến của các chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức và đại biểu khối Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp ý kiến góp ý của Nhân dân qua báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và thư gửi trực tiếp đến cấp ủy.
* Bản tổng hợp ý kiến của Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy gửi về Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (qua Văn phòng Tỉnh ủy) sau 03 ngày kể từ khi kết thúc việc tổ chức lấy ý kiến. Văn phòng Tỉnh ủy có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ ý kiến đã được các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và các ban đảng, Đảng đoàn HĐND tỉnh tổng hợp để báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Văn phòng Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh căn cứ Hướng dẫn này để tổ chức việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII; phân công, bố trí cán bộ làm công tác tổng hợp và hoàn thiện Báo cáo tổng hợp gửi về Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (qua Văn phòng Tỉnh ủy) theo đúng thời gian quy định.
2. Trong quá trình tổng hợp ý kiến, nếu có vấn đề chưa rõ, cần phản ánh kịp thời về Thường trực Tỉnh ủy (qua Văn phòng Tỉnh ủy) để hướng dẫn bổ sung, điều chỉnh./.