Tạo chuyển biến căn bản, phát triển giáo dục đào tạo toàn diện

Thứ Ba, 02/06/2020, 23:58 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 2/6, Tỉnh ủy đã tổ chức hội thảo Giải pháp để nâng cao toàn diện chất lượng GD-ĐT trên địa bàn tỉnh. Hội thảo nhằm đóng góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời tìm ra giải pháp để khắc phục hạn chế, tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy phát triển GD-ĐT một cách toàn diện. 

HS lớp 7H, Trường THCS Văn Lương trong tiết học Lịch sử của cô Phan Thị Hòa.
HS lớp 7H, Trường THCS Văn Lương trong tiết học Lịch sử của cô Phan Thị Hòa.

NHẬN DIỆN “ĐIỂM NGHẼN”

Tại hội thảo, các chuyên gia, cán bộ quản lý, GV đã chia sẻ, thảo luận để tìm ra những “điểm nghẽn” trên chặng đường phát triển GD-ĐT. 

PGS.TS Bùi Thị Mai Hoài (ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) nhận định, chất lượng giáo dục phụ thuộc rất nhiều vào chương trình giáo dục, năng lực lãnh đạo và đội ngũ GV, cơ sở vật chất… “Trong quá trình tiến hành chương trình tư vấn cho tỉnh BR-VT, khi khảo sát lãnh đạo, GV, HS, phụ huynh HS, chúng tôi nhận được nhiều phàn nàn về chương trình giáo dục của Việt Nam quá nặng, thiếu tính ứng dụng”, bà Hoài nói. Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Thị Mai Hoài cũng khẳng định, đây là khoảng trống chung của cả nước và dù đã cố gắng cũng chưa được lấp đầy.

“Có tới 65% GV đang sử dụng cách giao tiếp một chiều trong giảng dạy. Việc tương tác giữa người dạy-người học, người học-người học chưa nhiều. Các GV tại BR-VT cũng chia sẻ, việc tham gia tập huấn về chuyên môn, tập huấn phương pháp giảng dạy, các lớp tập huấn về phát triển năng lực cũng chưa thật sự chất lượng”, PGS.TS Bùi Thị Mai Hoài phân tích thêm, “GV phải tạo được môi trường học tập thân thiện, thường xuyên động viên HS, khuyến khích các em đưa ra ý tưởng, quan điểm mới trên cơ sở lắng nghe ý kiến HS, sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho HS. Nhưng chỉ có 25% GV ở BR-VT được HS đánh giá đáp ứng được tất cả các tiêu chí này”.

Để nâng cao chất lượng GD-ĐT, các nhà trường cần chú trọng xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn. Trong ảnh: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn luôn khuyến khích HS tham gia các hoạt động thể dục, thể thao. Ảnh: KHÁNH CHI
Để nâng cao chất lượng GD-ĐT, các nhà trường cần chú trọng xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn. Trong ảnh: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn luôn khuyến khích HS tham gia các hoạt động thể dục, thể thao. Ảnh: KHÁNH CHI

Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT thì cho rằng, qua khảo sát, đa số cán bộ quản lý, GV tâm huyết mong muốn đổi mới toàn diện GD-ĐT nhưng lại lúng túng với việc bắt đầu từ đâu. Hiện nay, phần lớn các trường mới dừng lại ở chủ trương đổi mới, còn thiếu giải pháp cụ thể, chưa tạo được động lực đổi mới giáo dục toàn diện, chưa lựa chọn được những nội dung đổi mới thiết thực và có trọng tâm, chưa tổ chức được các hoạt động đổi mới một cách khoa học và hiệu quả. Vì vậy, việc đổi mới thì được đề cập đến nhiều nhưng đột phá là chưa nhiều. 

CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ 

Cô Nguyễn Thị Sông Thương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP. Vũng Tàu) chia sẻ, để nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục, ngoài việc xây dựng kế hoạch năm học cụ thể, các trường cần chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ bằng cách tạo điều kiện cho cán bộ, GV, nhân viên học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực, thường xuyên đánh giá, động viên, khen thưởng kịp thời. Cùng với đó, ngành GD-ĐT cần đẩy mạnh công tác giáo dục mũi nhọn và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. Trong giảng dạy, phải kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp giảng dạy tích cực để tạo sự hứng thú cho HS. Ngoài ra, các nhà trường cũng cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, tạo hứng thú, động lực cho HS trong học tập… “Chỉ khi các giải pháp được thực hiện một cách đồng bộ mới có thể tạo ra bước đột phá để phát triển GD-ĐT”, cô Sông Thương khẳng định.

Tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng, để nâng cao chất lượng GD-ĐT, cần có sự đồng thuận trong quyết tâm đổi mới từ lãnh đạo tỉnh đến các sở, ban, ngành liên quan. Sự đồng thuận đó sẽ tạo ra sự thay đổi trong cơ chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đáp ứng nhu cầu của sự thay đổi và phát triển. Cùng với đó, cần phải cải thiện năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp và chất lượng đội ngũ GV địa phương. 

PGS.TS Bùi Thị Mai Hoài đề xuất cần quy định trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục công lập. Người đứng đầu phải có quyền tự chủ về nhân sự, tổ chức bộ máy, tài sản và tài chính với điều kiện ràng buộc trách nhiệm về đầu ra và kết quả hoạt động của đơn vị. Cần có cơ chế tuyển chọn và thải loại nhân sự nói chung, nhân sự trong lĩnh vực GD-ĐT nói riêng một cách khách quan. “Trước mắt, tỉnh cần khảo sát để lên kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ GV, cán bộ quản lý một cách hiệu quả, thiết thực. Riêng công tác tập huấn, bồi dưỡng GV nên tập trung vào 3 mảng chính là chuyên môn, phương pháp giảng dạy và ứng dụng CNTT trong giảng dạy. GV nào không đáp ứng yêu cầu công việc sẽ bị điều chuyển hoặc thải loại”, PGS.TS Bùi Thị Mai Hoài nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Giang cho rằng để tạo động lực cho sự phát triển GD-ĐT, cần xây dựng và triển khai tốt đề án tự chủ trường học, có lộ trình, nội dung, hình thức phù hợp với mỗi nhà trường, mỗi địa phương. Đồng thời, tỉnh cần có thêm chính sách khuyến khích, tạo động lực cho thầy và trò trong các hoạt động đổi mới GD-ĐT.

Không được để học sinh thiệt thòi chỉ vì giáo viên và cán bộ quản lý không tròn vai. Nhiệm vụ quan trọng là phải bồi dưỡng, xây dựng bằng được đội ngũ GV, cán bộ quản lý không chỉ tròn vai, mà còn đạt những tiêu chuẩn cao hơn
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh

Trong quan điểm phát triển của Bộ GD-ĐT, để phát triển GD-ĐT một cách toàn diện, cần chú trọng xây dựng trường học hạnh phúc. Cụ thể hóa quan điểm này, TS.Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị tri thức TP. Hồ Chí Minh, CEO hệ thống Trường Xanh Tuệ Đức cho rằng, 3 trụ cột lớn để xây dựng trường học hạnh phúc, đó là: con người; phương pháp dạy và học; môi trường học tập. Trong đó, tình bạn và các mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường cần được xây dựng dựa trên nền tảng tin tưởng, bình đẳng, khoan dung; Phương pháp dạy và học với khối lượng công việc hợp lý, công bằng, phương pháp giảng dạy thú vị, người học được tự do, sáng tạo và gắn kết; Môi trường học tập phải thân thiện, yêu thương, an toàn, kỷ luật tích cực…

HOÀNG DƯƠNG

 

 

;
.