.
NGÀY LÀM VIỆC THỨ 5, KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA XIV:

Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết

Cập nhật: 05:51, 26/05/2020 (GMT+7)

Trong ngày làm việc thứ 5, Kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.

Nhấn mạnh việc tiếp tục miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, cho rằng việc miễn thuế đất sử dụng nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay sẽ hỗ trợ nông dân, nhất là trước ảnh hưởng của đại dịch Covid với họ.

Cùng với việc tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị xem xét kỹ lưỡng công khai, minh bạch, chỉ đạo chặt chẽ trong việc quản lý thực hiện giảm thuế, bảo đảm đúng đối tượng, nâng cao kết quả hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, không để lợi dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm tham nhũng, lãng phí...

* Cũng trong ngày làm việc thứ 5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, và dự án Luật Thanh niên Sửa đổi.

 

Góp ý nội dung liên quan đến bổ nhiệm hòa giải viên (dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án), đại biểu Phạm Đình Cúc của Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT (ảnh đứng) đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng bổ nhiệm đã là điều tra viên của các cơ quan điều tra. Bởi vì đây là lực lượng rất đông đảo, là nguồn rất lớn có thể lựa chọn bổ nhiệm hòa giải viên. Mặt khác, điều tra viên cũng được đào tạo bài bản và phải có nhiều năm làm công tác pháp luật thì mới được bổ nhiệm làm điều tra viên. Vì vậy, lực lượng này rất am hiểu pháp luật và kinh nghiệm cuộc sống… 

ĐÔNG HIẾU - MINH THANH

.
.
.