.
THẢO LUẬN BÁO CÁO GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XÂY DỰNG

Rà soát các luật liên quan để bảo đảm sự thống nhất, tránh chồng chéo

Cập nhật: 19:08, 24/05/2020 (GMT+7)

Ngày 23/5, trong phiên thảo luận về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đa số ý kiến đề nghị việc sửa đổi Luật Xây dựng phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật khác, như: Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch… và các dự án Luật đang trình Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh dự kỳ họp tại điểm cầu BR-VT ngày 23/5.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh dự kỳ họp tại điểm cầu BR-VT ngày 23/5.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ban soạn thảo cùng các cơ quan liên quan đã và sẽ tiếp tục rà soát kỹ các luật liên quan để tránh mâu thuẫn, chồng chéo pháp luật trong việc: sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn trong dự thảo Luật cho phù hợp với Luật Đất đai; sửa đổi, bổ sung quy định về chủ đầu tư, nhà đầu tư trong dự thảo Luật để thống nhất với quy định về nhà đầu tư trong Luật Đầu tư; thống nhất khái niệm về nhà ở riêng lẻ, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trong dự thảo Luật và Luật Nhà ở...

Theo đại biểu Dương Minh Tuấn (tỉnh BR-VT), trước sự phát triển nhanh chóng về đời sống xã hội trong nước và tác động từ việc hội nhập quốc tế thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng nhằm phù hợp với thực tiễn đầu tư, xây dựng là hết sức cần thiết. Cho ý kiến về quy mô, giới hạn xây dựng đối với công trình, nhà ở nông thôn không cần phải có giấy phép xây dựng, đại biểu Dương Minh Tuấn phân tích: Khoản 2 điều 89 của dự thảo Luật quy định: Ngoại trừ các công trình xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử, văn hóa thì các công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc khu vực xây dựng khu dân cư nông thôn thì không phải xin giấy phép xây dựng. Quy định trên rất thông thoáng, thuận lợi cho người dân khi xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế quản lý, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng việc miễn giấy phép xây dựng tại khu vực nông thôn để tự ý xây dựng nhiều công trình với quy mô, diện tích lớn nhằm sử dụng với nhiều mục đích khác. Điều này có thể gây mất trật tự, khó khăn trong công tác quản lý. Vì vậy, đề nghị Ban Soạn thảo dự án Luật cần có quy định về giới hạn, quy mô xây dựng công trình đối với trường hợp trên. 

Trong khi đó, việc nhà ở riêng lẻ ở nông thôn (khu vực chưa có quy hoạch) khi khởi công xây dựng không phải thông báo đến cơ quan quản lý xây dựng, đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng, Quốc hội nên xem xét khi đưa vấn đề này vào luật. Bởi thực tế hiện nay, nhiều nơi đã lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn, nhưng khu vực có quy hoạch điểm dân cư nông thôn thì rất ít. Do đó, nhà ở riêng lẻ được miễn giấy phép xây dựng là khá nhiều. Việc không quy định trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng với nhà ở riêng lẻ có thể làm mất kiểm soát trong xây dựng ở nông thôn, như có trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, xây dựng vi phạm hành lang an toàn đường bộ, an toàn lưới điện, bảo vệ nguồn nước.

TUẦN LÀM VIỆC THỨ 2, KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA XIV
Tập trung cho công tác xây dựng pháp luật
Đây là nội dung chính trong tuần làm việc trực tuyến thứ 2 (từ 25/5-28/5) của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Quốc hội sẽ nghe trình dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và thảo luận, cho ý kiến các dự án: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Thanh niên (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, nhiều nội dung quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét trong tuần làm việc. Quốc hội sẽ dành cả ngày 27/5 để thảo luận trực tuyến Báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Phiên họp quan trọng này được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018; Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018; Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Quốc hội cũng sẽ nghe Tờ trình và thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
QUỲNH HOA
 

Về thực hiện quy hoạch xây dựng, đại biểu Trần Tất Thế (tỉnh Hà Nam), đề cập tới việc bảo đảm quyền và lợi ích cho người dân trong vùng quy hoạch đã được công bố mà chưa thực hiện công trình xây dựng. Đó là Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho người dân khi thu hồi đất của họ khi quá thời hạn quy hoạch. Ngoài ra, đại biểu Trần Tất Thế cũng cho rằng, theo Điều 87 của dự thảo Luật quy định: Công trình hoàn thành phải được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng. Quy định này là một bước lùi trong công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động xây dựng. Vì trước đây, đã có quy định của các cơ quan cấp phép của Nhà nước hoàn công các công trình xây dựng chưa đưa vào sử dụng không đem lại hiệu quả trong việc quản lý xây dựng. Thủ tục trên đã được thay bằng biên bản hoàn công do chủ đầu tư chịu trách nhiệm (nay là Nhà nước cấp phép sử dụng công trình xây dựng) gần như khôi phục hoàn công sẽ tạo tâm lý ỷ lại cho người dân và dễ phát sinh tiêu cực, dễ làm gia tăng tình trạng xây dựng trái phép. Vì vậy, đề nghị Ban Soạn thảo Dự án Luật cần có thêm quy định chặt chẽ, trách nhiệm của địa phương, xử lý nghiêm các hành vi khi để diễn ra xây dựng các công trình trái phép.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
.
.
.