.

Làm việc với các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Đoàn kết, sát cánh bên nhau cùng phát triển

Cập nhật: 20:00, 30/05/2020 (GMT+7)

Ngày 30/5, tại Khu Du lịch (KDL) The Grand Hồ Tràm Strip, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với 8 tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành và đại diện các DN, hiệp hội, chuyên gia. 

Về phía tỉnh BR-VT có ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.

ƯU TIÊN QUY HOẠCH ĐẦU TƯ CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG MANG TÍNH LIÊN KẾT VÙNG 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dịch COVID-19 đã ảnh hướng lớn đến toàn thế giới. Ở Việt Nam, nhờ thực hiện các quyết sách kịp thời, liên tục, đúng đắn và đi trước với sự ủng hộ của nhân dân; nên dịch không bị lây lan ra cộng đồng và được thế giới đánh giá cao. 

Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam đã  thực hiện mục tiêu kép: Kiên quyết chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân và không để đổ gãy nền kinh tế. Do đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế Việt Nam quý I vẫn tăng trưởng khoảng 4% và tháng 5 tình hình tốt hơn”. 

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương trong vùng đóng góp ý kiến tâm huyết để Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các bộ, ngành đưa ra quyết sách đúng, có lối đi, cách làm tốt hơn. Không chỉ lắng nghe ý kiến của các lãnh đạo địa phương, hội nghị còn muốn nghe ý kiến của các nhà khoa học, các DN, tìm ra định hướng phát triển, chủ trương sát thực tiễn, có cơ sở khoa học.

Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu đề xuất một số giải pháp để thực hiện tốt nhất các chủ trương như: giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các gói hỗ trợ mà Chính phủ đã ban hành, những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản cho người dân, DN, bảo đảm hoạt động kinh tế, xã hội thông suốt, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.  Trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy các nguồn lực về phát triển cơ sở hạ tầng.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh ủy phát biểu tạo hội nghị.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị đại diện các tỉnh, thành đã báo cáo về tình hình của địa phương cũng như các kiến nghị với Thủ tướng. Trong đó, kiến nghị Trung ương tập trung ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng, đặc biệt là tuyết đường cao tốc, phát triển các KCN. Định hướng ưu tiên phát triển từng địa phương nhằm tránh tình trạng các địa phương tự làm, đầu tư dàn trải. Đồng thời kiến nghị Trung uơng xem xét hỗ trợ ngân sách để đầu tư hạ tầng, tiếp tục thực hiện nhiệm phát triển kinh tế xã hội.

Các Phó Thủ tướng, các bộ, ngành Trung ương cũng đưa ra các kiến nghị nhằm thúc đẩy nền kinh tế khu vực phía Nam phát triển, trong đó tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng; đầu tư các dự án giao thông; các dự án đầu tư công; thu hút, đầu tư phát triển các khu công nghiệp, đô thị thông minh… 

Về phía các Hiệp hội, DN cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương cải cách thủ tục hành chính nhiều hơn nữa, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư, mở rộng sản xuất- kinh doanh. Nới lỏng các điều cho vay, trần cho vay. Đồng thời cung cấp các thông tin về thị trường như thói quen tiêu dùng để định hướng cho DN; tạo ra các chuỗi liên kết mạnh mẽ…

ĐIỀU CHỈNH HOẶC QUY HOẠCH ĐỂ ĐÓN LÀN SÓNG ĐẦU TƯ MỚI

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà 8 tỉnh, thành khu vực Phía Nam đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh: "Chúng ta phải đạt mục tiêu về đích sớm hơn tầm nhìn về một Việt Nam hùng cường vào 2045. Đây là một đòi hỏi của thực tiễn và cũng là một mệnh lệnh của lịch sử. Bởi, các vùng đều có những lợi thế so sánh riêng".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bắt tay trao đổi với DN nước ngoài bên lề hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bắt tay trao đổi với DN nước ngoài bên lề hội nghị.

Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu có cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế, trong đó có Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hỗ trợ đầu tư để các địa phương sớm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối quan trọng. Muốn làm được điều này, các địa phương cũng phải đoàn kết, nắm tay nhau cùng phát triển. Đồng thời, dành quỹ đất phù hợp để phát triển với lợi thế từng địa phương, không làm theo kiểu “trăm hoa đua nở”. 

Đối với những địa phương có tỷ lệ lấp đầy các KCN từ 55-60%, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT điều chỉnh, mở rộng hoặc quy hoạch để đón làn sóng đầu tư thu hút đầu tư mới. Bộ TN-MT nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để dành đất cho KCN, khu đô thị. Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất các loại hình thông liên kết vùng. Riêng đối với dự án cầu Phước An, lãnh đạo 2 địa phương BR-VT và Đồng Nai phối hợp với nhau tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, trình Thủ tướng xem xét giải quyết. 

Thay mặt lãnh đạo các tỉnh, thành phố, Bí thư Tỉnh ủy BR-VT Nguyễn Hồng Lĩnh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu trong Đoàn công tác. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng. Bí thư Tỉnh ủy BR-VT nhấn mạnh,  BR-VT và các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn nhận thức sâu sắc rằng, sự chia sẻ, hợp tác để cùng phát triển là quy luật tất yếu và là đòi hỏi cấp thiết để bảo đảm phát triển bền vững. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho mỗi địa phương mà còn tạo sự phát triển vững chắc cho cả Vùng, đem lại sự thịnh vượng cho quốc gia. Trên tinh thần đó, ngoài việc nỗ lực giải quyết những khó khăn, vướng mắc của mỗi địa phương, ngoài việc chấp nhận hy sinh lợi ích nhỏ của mỗi tỉnh, thành phố để bảo vệ lợi ích to lớn của Vùng và quốc gia. Do đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục việc chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập cho Vùng; đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối nhằm khắc phục sự trì trệ, sự áp lực về trách nhiệm để thúc đẩy phát triển.  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị.

Trước đó, Thủ tướng đã thị sát khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, dự án cầu Phước An, thăm dự án của Công ty Hyosung (Hàn Quốc) có tổng vốn đầu tư 1,35 tỷ USD, sản xuất hóa chất. 

NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ

. KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG ƯU TIÊN QUY HOẠCH ĐẦU TƯ CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG MANG TÍNH LIÊN KẾT VÙNG

. HỘI NGHỊ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÀM VIỆC VỚI 8 TỈNH, THÀNH KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM KHU VỰC PHÍA NAM

. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÀM VIỆC VỚI BR-VT VÀ 7 TỈNH, THÀNH KHU VỰC PHÍA NAM

 

 

.
.
.