Đó là nội dung chính được lãnh đạo các tỉnh, thành kiến nghị tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành phố vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.
Lãnh đạo các tỉnh, thành và Trung ương tham dự Hội nghị. |
Ông Cao Tiến Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thông tin, là tỉnh chịu ảnh hưởng mạnh của dịch COVID-19 nên nhiều chỉ số của tỉnh có mức tăng chậm, dự kiến năm nay giảm thu khoảng 25% dự toán Trung ương giao.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Trung ương tập trung ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng, đặc biệt là tuyết đường cao tốc, hệ thống đường vành đai TP.HCM, hệ thống cảng Logictics.
Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Vành đai 3, Vành đai 4…
Đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải hiện đã hoàn thành 95% khối lượng công việc giai đoạn I. |
Ông Cao Tiến Dũng cũng kiến nghị Thủ Tướng Chính phủ hỗ trợ ngân sách Trung ương 2.060 tỉ đồng để triển khai thực hiện giai đoạn I của dự án đường liên cảng tại huyện Nhơn Trạch; Xem xét hỗ trợ ngân sách cho tỉnh Đồng Nai số tiền 1.000 tỉ đồng để tiếp tục thực hiện nhiệm phát triển kinh tế xã hội.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng, cần sớm bố trí vốn thực hiện đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; mở rộng Quốc lộ 13 thuộc TP. HCM để tăng kết nối, lưu thông vùng.
Trong khi đó, tỉnh Long An kiến nghị Trung ương sớm bố trí vốn giải phóng mặt bằng cho dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Chơn Thành - Đức Hoà. Vì đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kết nối giao thông trong vùng Đông Nam Bộ. Ngoài ra, tỉnh Long An cũng kiến nghị Trung ương sớm triển khai đường Vành đai 3 và Vành đai 4 - TP.HCM, Trục động lực TP. HCM - Long An - Tiền Giang.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền kiến nghị Trung ương sớm đầu tư tuyến Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - Hoa Lư và tuyến đường sắt từ Dĩ An đi Hoa Lư nhằm giảm áp lực vận tải cho các tuyến QL13, QL14, phục vụ phát triển các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng Sông Cửu Long.
Về tình hình thực hiện công tác điều phối liên kết phát triển kinh tế vùng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thông tin, các địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp và đã đạt được những kết quả bước đầu. Trong thời gian tới, TP. HCM tiếp tục chủ động thực hiện vai trò Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2015 - 2020, phối hợp với các địa phương trong vùng tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ
. HỘI NGHỊ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÀM VIỆC VỚI 8 TỈNH, THÀNH KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM KHU VỰC PHÍA NAM
. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÀM VIỆC VỚI BR-VT VÀ 7 TỈNH, THÀNH KHU VỰC PHÍA NAM