.
KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM (30/4/1975 - 30/4/2020)

Nhớ những ngày giải phóng Vũng Tàu và Côn Đảo

Cập nhật: 21:57, 28/04/2020 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo BR-VT giới thiệu bài viết của Đại tá Lê Văn Quế, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6, trung đoàn 141, Sư đoàn Sao Vàng, nhân chứng có mặt trong thời khắc giải phóng Bà Rịa, Vũng Tàu và tiếp quản Côn Đảo. 

Tác giả (bìa phải) trong một lần về thăm Côn Đảo.
Tác giả (bìa phải) trong một lần về thăm Côn Đảo.

GIẢI PHÓNG VŨNG TÀU

Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu. Sư đoàn 3 (Sư đoàn Sao Vàng), Quân khu 5 tiến công theo hướng Xuân Lộc - Bà Rịa. Trước sức mạnh của Sư đoàn và lực lượng vũ trang địa phương, địch phòng ngự trong quận lỵ Đức Thạnh đầu hàng và bỏ chạy. Trung đoàn 141 cùng xe tăng vượt lên, tiến công TX. Bà Rịa. Trung đoàn 12 truy kích địch bỏ chạy từ Đức Thạnh về hướng huyện Đất Đỏ. Sáng 28/4/1975, Tiểu đoàn 6 chúng tôi đánh vào căn cứ Sư đoàn 18 ngụy ở ngã ba Phước Tỉnh. Toàn tuyến từ Phước Tỉnh, TX. Bà Rịa được giải phóng. Địch lập tuyến ngăn chặn ở cầu Cỏ May trên đường số 15 (nay là QL51) vào TX. Vũng Tàu. Địch đánh sập cầu, Trung đoàn 2 nhiều lần tiến công nhưng không thể vượt qua. Trước tình hình đó, Sư đoàn ra lệnh cho Tiểu đoàn 6 chúng tôi nhanh chóng vượt sông Cửa Lấp, sử dụng một lực lượng đánh cắt đường 15, phía sau cầu Cỏ May, chi viện cho Trung đoàn 2. 

Chúng tôi cơ động ra bến sông, vận động thuyền đánh cá của dân để chở bộ đội vượt sông. Khoảng 5 giờ 30 phút, ngày 29/4/1975, toàn bộ Tiểu đoàn đã lên bờ. Đại đội 62 do đồng chí Nguyễn Chí Nhàn chỉ huy, đồng chí Nguyễn Trọng Ba, Chính trị viên phó Tiểu đoàn cùng đi đã nhanh chóng cơ động từ phía Đông đánh cắt đường 15 phía sau đội hình địch ở cầu Cỏ May. Bị tập kích bất ngờ, địch vỡ trận, chạy tràn lên đội hình Đại đội 62 theo đường 15 về TX. Vũng Tàu. 

Đội hình chủ yếu của Tiểu đoàn tiến theo đường ven biển vào trung tâm Vũng Tàu. Đến khoảng 18 giờ, Đại đội 61 chiếm khu trung tâm thông tin, Đại đội 53 từ phía Đông Bắc tiến vào trung tâm Vũng Tàu. Lợi dụng tầng cao từ khách sạn Palace, địch chống trả quyết liệt. Trong đêm, chúng tôi điều chỉnh lại đội hình của Đại đội 61 và Đại đội 53, sử dụng súng phòng không 12,7 ly, đại liên, trung liên, B40, B41 ở các cự ly hợp lý để tiêu diệt địch trên các cửa sổ khách sạn. Lực lượng súng bộ binh tiến chắc, áp sát khách sạn, ngăn chặn địch phản kích. 

11h30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Sài Gòn đã được giải phóng, nhưng Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 chúng tôi vẫn tiếp tục nổ súng để tiêu diệt bọn sĩ quan, ác ôn ngoan cố co cụm lại trong khách sạn Palace. Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, địch đầu hàng. Ta đã làm chủ khách sạn và giải phóng Vũng Tàu.

NIỀM VUI TOÀN THẮNG

Chiều 1/5/1975, chúng tôi được Tư lệnh Sư đoàn Trần Bá Khuê và Chính ủy Mai Tân trực tiếp giao nhiệm vụ mới: lên tàu giải phóng Côn Đảo. Chúng tôi được bổ sung quân số và được tăng cường thêm một đại đội hỏa lực gồm: DKZ, cối 82 ly và súng PK 12,7 ly. Khoảng 16 giờ ngày 3/5/1975, toàn bộ lực lượng Tiểu đoàn đã có mặt ở quân cảng Vũng Tàu lên 3 tàu chiến. Đúng 17 giờ, tàu nhổ neo, hướng Côn Đảo thẳng tiến.

Khoảng 2 giờ ngày 4/5/1975, chúng tôi được Trung đoàn phó Nguyễn Hồng Sơn và Phó chính ủy Đồng Sỹ Tài đi cùng thông báo: Côn Đảo đã được lực lượng tù binh ta trên đó giải phóng. Niềm vui như vỡ òa, tràn ngập trong mỗi người chúng tôi. Đoàn tàu vẫn tiến về phía đảo. Bộ đội vẫn sẵn sàng chiến đấu cao. Khi tàu cách đảo khoảng gần 2km, lúc đó là 3 giờ sáng. Do tàu chiến hải quân không thể cập cầu cảng 914 nên phải hạ neo. Trên đảo, đèn điện sáng trưng. Chúng tôi hội ý. Ban Chỉ huy nhận định: Mặc dù đã có thông báo đảo đã được giải phóng, nhưng trong chiến đấu không thể không có tình huống ngoại lệ và quyết định cử đồng chí Lê Anh Kiên chỉ huy tổ trinh sát, tổ thông tin lên đảo bằng thuyền cao su. 

Khoảng 5 giờ sáng, nhóm anh Kiên đã vào bờ, bắt liên lạc với lực lượng tự vệ đảo mới thành lập. Công việc rất khẩn trương, lực lượng trên đảo chuẩn bị xà lan để ra tàu chở bộ đội vào cầu cảng. Bộ đội lên cầu cảng lúc 9 giờ ngày 4/5/1975. Đội hình Tiểu đoàn thành 3 hàng dọc, đứng đầu là Tổ Quân kỳ quyết thắng, tiếp đến là 2 chiến sĩ cầm ảnh Bác Hồ. Đội hình chúng tôi tiến thẳng vào đảo trước sự vui mừng của hàng ngàn chiến sĩ tù chính trị và nhân dân trên đảo. Trong đoàn người chào đón bỗng vang lên tiếng hô: “Bác Hồ muôn năm!”, “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam muôn năm!”, “Hoan hô Quân giải phóng miền Nam Việt Nam!”… Hàng ngàn người đồng thanh hô theo làm rung chuyển cả vùng vịnh, dội vào vách núi Chúa ở phía sau tạo nên một âm hưởng kỳ diệu, xúc động lòng người. Chúng tôi tiến thẳng vào sân dinh Chúa đảo. Lễ chào cờ diễn ra xúc động, tôi được vinh dự chỉ huy buổi chào cờ hôm đó. Khẩu lệnh vừa dứt, bộ đội vừa cất tiếng hát bài: “Giải phóng miền Nam” thì giàn nhạc của chiến sĩ tù vang lên, rồi hàng ngàn tiếng hát của nam nữ tù chính trị thành giàn hợp xướng khổng lồ như sóng cuộn triều dâng. 

Chiều tối 4/5/1975, chuyến tàu đầu tiên đưa chiến sĩ tù vào đất liền để chữa bệnh và nhận công tác mới. Sáng 5/5, khi tình hình mọi mặt đã ổn định, chính quyền cách mạng đảo phối hợp các lực lượng tổ chức mít tinh tuyên bố giải tán Ủy ban Hòa hợp - hòa giải dân tộc, tuyên bố thành lập Ủy ban Quân quản Côn Đảo do trung tá Lê Câu, tử tù chính trị, làm Chủ tịch; Thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn, Trung đoàn phó Trung đoàn 12, Sư đoàn Sao Vàng làm Phó Chủ tịch. Trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân trên đảo, buổi lễ diễn ra trang nghiêm và ý nghĩa.

Trong gần 3 tháng chúng tôi đóng quân trên đảo, các hoạt động và sinh hoạt đã dần vào ổn định, các cuộc giao lưu văn nghệ thể thao, bóng đá, bóng chuyền, kéo co… của các lực lượng diễn ra sôi nổi. Khoảng cuối tháng 7/1975, Tiểu đoàn 72 hải quân đánh bộ của Quân chủng Hải quân ra thay, chúng tôi lại vượt biển trở về đất liền nhận nhiệm vụ mới trong đội hình Trung đoàn 12, Sư đoàn Sao Vàng.

Đại tá LÊ VĂN QUẾ

.
.
.