.
PHIÊN HỌP 44 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI (KHÓA XIV)

Tận dụng tối đa mạng xã hội cho công tác tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em

Cập nhật: 20:10, 27/04/2020 (GMT+7)

Tiếp tục Phiên họp thứ 44, ngày 27/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Trình bày dự thảo báo cáo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em”, Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết: Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em…

Tuy nhiên, tình hình trẻ em đang có những vấn đề rất đáng báo động. Giai đoạn từ 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019 cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó xâm hại tình dục chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Số trẻ em lao động trái pháp luật lên tới 790.518 trường hợp, 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.489 trẻ 15 tuổi tảo hôn. Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ. Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là nam giới, chiếm trên 95%. 

Đánh giá cao nội dung báo cáo khi đã cung cấp đầy đủ thông tin, đánh giá toàn diện công tác thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong giai đoạn 2015-2019 và bám sát yêu cầu, mục đích của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đặt ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị: Cần đánh giá kỹ hơn công tác thanh, kiểm tra, công tác quản lý của cơ quan chức năng, nhất là vai trò của chính quyền cơ sở, địa phương trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em. Thực tế là nhiều vụ việc “nóng” thời gian qua chỉ được phát hiện, xử lý khi xảy ra hậu quả hoặc khi dư luận, báo chí phản ánh, tố cáo. Nhiều vụ việc xảy ra mà chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không hay biết cho nên cần kiến nghị thêm về việc xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bỏ lọt tội phạm, sai quy định.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, việc tuyên truyền, vận động chống các hành vi xâm hại trẻ em cần phải đa dạng về hình thức, tránh đi vào lối mòn, tận dụng tối đa vai trò của mạng xã hội, công nghệ thông tin. “Công nghệ 4.0 là rất quan trọng. Đặc biệt bây giờ trẻ em yêu thích máy móc, công nghệ nên chúng ta cần thông qua mạng xã hội để công tác tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả cao hơn”, ông Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.

Cho rằng các số liệu nêu trong báo cáo là những con số rất đáng quan tâm và lo ngại, song đó mới là con số của tảng băng nổi, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề “số liệu đó đã phản ánh đầy đủ tình trạng hay chưa”. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tình trạng trẻ em bị cưỡng bức lao động là rất đáng chú ý. Điều đó cho thấy công tác bảo vệ trẻ em của chúng ta hiện nay còn chưa tốt.

“Khi phát hiện xử lý kịp thời là đúng rồi, nhưng quan trọng là bảo vệ trẻ em để tình trạng xâm hại không xảy ra nữa. Có những vụ trẻ em bị bạo lực, kêu khóc hàng ngày mà chính quyền không biết, nhà trường không biết… Phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở”, ông Phùng Quốc Hiển nêu rõ.

Dẫn số liệu trung bình một ngày có 7 trẻ em bị xâm hại, một năm có đến 38 trẻ bị tử vong, 133 trẻ bị thương tích, 84 trẻ mang thai..., Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý, đây là số liệu đáng báo động và nói lên nhiều điều. Do đó, báo cáo cần phân tích đầy đủ hơn các nguyên nhân, trách nhiệm quản lý nhà nước, mối quan hệ với tỷ lệ ly hôn, ảnh hưởng của môi trường mạng xã hội, internet... để thấy rõ hơn bức tranh toàn cảnh, qua đó có giải pháp bảo vệ trẻ em.

HẠNH QUỲNH

 
.
.
.