Những đổi thay nơi Chi bộ Đảng đầu tiên ra đời
Cách đây 86 năm, tháng 2/1934, Chi bộ Đảng đầu tiên của Bà Rịa-Vũng Tàu đã được thành lập ở làng chài Phước Hải (nay là thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ). Trải qua gần 90 năm, bộ mặt làng chài đơn sơ ngày nào đã đổi thay, từ những con đường đất nhỏ hẹp giờ đã nâng cấp thành tuyến phố trải nhựa thẳng tắp, nhộn nhịp người qua lại, những KDL cao cấp, đời sống cư dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Đường Võ Thị Sáu, thị trấn Phước Hải rực rỡ cờ hoa mừng Đảng, mừng Xuân. |
GIEO HẠT GIỐNG ĐỎ
Người dân Phước Hải vốn bao đời hiền lành với nghề đi biển, làm nông nghiệp. Trải qua hàng trăm năm đấu tranh chống áp bức, bóc lột, tấm lòng yêu quê hương của người dân Phước Hải thêm đậm đà. Truyền thống này được nuôi dưỡng, nhân lên trong các thế hệ tiếp nối trên mảnh đất Phước Hải. Là cửa ngõ trên con đường giao thông thủy bộ từ Bắc vào Nam, vùng Long Điền, Đất Đỏ là nơi nhiều chiến sĩ cách mạng từ các địa phương về hội tụ, gieo những hạt giống cách mạng vào lòng người dân lao khổ.
Theo “Lịch sử Đảng bộ tỉnh BR-VT”, cuối năm 1931, Hồ Tri Tân cùng hai người bạn thợ mộc là Lương Tống và Lương Nậy từ Quảng Trị vào Bà Rịa làm ăn. Hồ Tri Tân sinh sống hợp pháp và mở một trại cưa nhỏ tại Phước Hải, một làng đông dân, trù phú, nghề cá phát triển, quần tụ nhiều ngư dân miền Trung. Mang theo được một số tài liệu bí mật gồm: Điều lệ tổ chức Công hội, Nông hội, Phương pháp hoạt động bí mật… Hồ Tri Tân tập hợp những người tốt để giác ngộ cách mạng.
Ông Trần Vĩnh Lộc (bên phải), Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Phước Hải trao đổi với ông Lê Hà về bản thảo cuốn Lịch sử Đảng bộ, quân và dân thị trấn Phước Hải 1930-2020. |
Mùa xuân 1932, Hồ Tri Tân cùng các anh Trần Văn Ý (thợ mộc) ở Long Hương, Nguyễn Văn Lăng (vận tải xe bò) ở Lò Vôi, Phước Tỉnh tổ chức lễ kết nghĩa tại chùa Châu Viên, thề cùng nhau “hoạn nạn tương cứu, sinh tử bất ly), gọi là nhóm Châu Viên kết nghĩa. Mỗi người trong nhóm lại tìm bạn, tập hợp thêm Trần Văn Hóa, Trần Văn Thiên, Hồ Thị Trinh, Mười Còn, Thợ Quy, Lương Xưởng… là những người lao động có tinh thần chống Pháp vùng Đất Đỏ mở rộng thành Hội Châu Viên kết nghĩa. Năm 1933, Hội Châu Viên kết nghĩa phát triển được 10 hội viên. Hồ Tri Tân từng bước giác ngộ, đưa tài liệu bí mật cho anh em đọc và cùng thảo luận.
Đêm 13/7/1933, Hội Châu Viên kết nghĩa đã treo được 6 lá cờ đỏ búa liềm tại địa phận xã Long Hương, thị xã Bà Rịa; thị trấn Long Điền; Nhà kiểm lâm Đất Đỏ; Nhà hội làng Long Nhung; Nhà hội làng Long Mỹ và đỉnh núi Hòn Ngang tại địa phận ấp Lò Vôi, Phước Tỉnh. Gần một ngàn truyền đơn ký tên Việt Nam Cộng sản Đảng đã được rải ở nhiều địa điểm từ thị xã Bà Rịa đến Long Điền, Đất Đỏ với các nội dung: “Bỏ thuế thân; Giảm thuế điền thổ trạch; Chống tham quan ô lại; Công nông binh liên hiệp lại”. Cờ đỏ búa liềm và truyền đơn cách mạng xuất hiện ở Bà Rịa; Long Điền và Đất Đỏ ngay trong ngày Quốc khánh Pháp khiến bọn thực dân hết sức hoang mang, còn những người yêu nước thì phấn khởi, hy vọng đón chờ.
Tháng 2/1934, ông Hồ Tri Tân cùng các ông Trần Văn Cừ, Nguyễn Văn Long tổ chức cuộc họp tại nhà ông Trần Bá Thiên (ấp Hải Trung, xã Phước Hải) và tuyên bố thành lập Chi bộ gồm 3 đảng viên: Trần Văn Cừ (Bí thư), Nguyễn Văn Long, Hồ Tri Tân. Ngay sau khi ra đời, Chi bộ Phước Hải đã tích cực phát triển đảng viên, giác ngộ các đồng chí kiên trung, yêu nước và kết nạp vào Chi bộ; tổ chức rải truyền đơn, chống áp bức bất công.
Từ đây, phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh được soi rọi dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Phước Hải, phong trào đấu tranh ở Long Đất và tỉnh Bà Rịa những năm đầu cách mạng đạt nhiều kết quả tích cực. Trong quá trình hoạt động, Chi bộ Phước Hải đã thể hiện vai trò một tổ chức cách mạng với sứ mệnh lãnh đạo nhân dân trong toàn tỉnh đấu tranh cách mạng, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản, góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giành độc lập cho địa phương, cho dân tộc.
LÀNG CHÀI ĐANG VƯƠN MÌNH
Đến Phước Hải ngày nay, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay của vùng đất cách mạng năm nào. Những ngày đầu xuân, trên những tuyến đường nhựa phẳng lì, Phước Hải như đẹp hơn bởi sắc vàng của hoa mai, hoa cúc hòa cùng sắc đỏ, sắc vàng của cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm tung bay phấp phới.
Ông Lê Hà, 81 tuổi đời, 57 tuổi Đảng (khu phố Hải Sơn, thị trấn Phước Hải), cựu binh tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện từ miền Bắc vào miền Nam cho biết, ông sinh ra và lớn lên tại Phước Hải. Trừ những năm tháng hoạt động cách mạng (1961-1975), còn lại cả cuộc đời ông gắn bó với vùng đất này. “Tôi rất vui khi chứng kiến sự đổi thay của quê hương. Những tuyến đường giao thông nông thôn nhỏ, hẹp ngày nào, nay đã được mở rộng, trải nhựa hoặc bê tông hóa, thuận tiện cho người dân đi lại. Nhiều công trình phúc lợi xã hội như: Trường học, chợ, trung tâm văn hóa… được xây dựng khang trang, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Gia đình tôi cùng địa phương hỗ trợ chi phí xây dựng căn nhà kiên cố, các con tôi được học hành, có nghề nghiệp ổn định”, ông Lê Hà chia sẻ.
Tự hào và tiếp bước là nơi thành lập Chi bộ đầu tiên của tỉnh, những năm qua, Đảng bộ thị trấn Phước Hải tiếp tục dẫn dắt để địa phương ngày càng phát triển. Ông Trần Thanh Huyền, Chủ tịch UBND thị trấn Phước Hải phấn khởi cho biết, trong năm 2019, Phước Hải đã mở rộng, nâng cấp, bê tông hóa 3 tuyến đường mới tại khu phố Hải Sơn; hoàn thành việc nâng cấp nhà lồng chợ Phước Hải, tạo điều kiện cho bà con tiểu thương kinh doanh buôn bán và nhân dân có nơi mua sắm sạch sẽ, văn minh. Địa phương luôn quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, đối tượng có công với cách mạng, trợ cấp người có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, 100% hộ dân trong thị trấn được sử dụng điện và nước sạch.
Về kinh tế, ngoài nông-lâm-ngư nghiệp, Phước Hải còn khai thác lợi thế thiên nhiên từ rừng, biển để phát triển du lịch. Hiện nay, thị trấn có 7 KDL đang hoạt động, trong đó có những KDL cao cấp như: Oceanami, Lan Rừng Resort & Spa, Thùy Dương Resort... Phước Hải đã và đang trở thành điểm đến của nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước. Trong năm 2019, thị trấn thu hút gần 280 ngàn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Bên cạnh việc khai thác du lịch nghỉ dưỡng biển, địa phương đã và đang khai thác các tour du lịch đặc thù nhằm thu hút và giữ chân du khách như: Trải nghiệm tour thuyền thúng; ngắm hoa anh đào; tham quan núi Minh Đạm gắn với về nguồn tại di tích lịch sử căn cứ cách mạng Minh Đạm; tham quan Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên; thưởng thức chả cá Phước Hải, tham quan nghĩa địa Cá Ông…
Đặc biệt, phát huy truyền thống là Chi bộ đầu tiên của tỉnh BR-VT, Đảng bộ Phước Hải tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, nâng cao chất lượng Đảng viên bằng các hoạt động cụ thể như: Kể chuyện về Bác trong buổi chào cờ thứ Hai đầu tuần; Phát động phong trào Đảng viên tình nguyện tham gia xây dựng “nông thôn mới, đô thị văn minh”, qua đó vận động được gần 83,5 triệu đồng cho Quỹ bảo vệ môi trường; huy động cán bộ, công chức, đảng viên trồng cây xanh dọc các tuyến đường để tạo cảnh quan... Trong năm 2019, Đảng bộ thị trấn Phước Hải đã kết nạp mới 14 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ lên 375 đảng viên Đảng bộ thị trấn Phước Hải cũng chú trọng tổ chức các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Trong đó, “Hội trại về nguồn Minh Đạm” được tổ chức định kỳ vào tháng 3 hàng năm, với nhiều hoạt động văn hóa-văn nghệ, trò chơi, lửa trại, cựu chiến binh kể chuyện chiến đấu và các trận đánh trên núi Minh Đạm… “Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, trong quý I/2020, chúng tôi sẽ tái bản cuốn Lịch sử Đảng bộ, quân và dân thị trấn Phước Hải 1930-2020. Qua đó, nhằm giáo dục truyền thống cho đảng viên, cán bộ, công chức, đoàn viên để họ thêm hiểu và tự hào hơn về lịch sử địa phương”, ông Trần Vĩnh Lộc, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Phước Hải nhấn mạnh.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH