Sắt son niềm tin với Đảng
Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu Xuân Canh Tý 2020, hôm nay 31/1, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh long trọng tổ chức họp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020).
Múa minh họa trong phần thi “Báo công dâng Đảng” của Đảng ủy Khối Cơ quan và doanh nghiệp tỉnh - đơn vị đạt giải A tại Hội thi “Tự hào Đảng quang vinh” năm 2019 do Tỉnh ủy tổ chức. Ảnh: ĐOÀN MINH ĐỨC |
Chương trình nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt chặng đường 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, vượt qua các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; những thành tựu nổi bật của tỉnh qua 30 năm thành lập và phát triển, qua đó thể hiện niềm tự hào và trách nhiệm xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục làm tiền đề vững chắc cho tương lai. Hoạt động này còn nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực khắc phục khó khăn, thi đua lập thành tích hướng tới chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2020; chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và hướng đến kỷ niệm 30 năm ngày thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong khuôn khổ chương trình, BCH Đảng bộ tỉnh cũng tri ân các đồng chí nguyên Bí thư Đặc khu ủy, Tỉnh ủy qua các thời kỳ; tri ân đảng viên 70 năm tuổi Đảng tiêu biểu.
Dịp này, BCH Đảng bộ tỉnh còn tặng Bằng khen và biểu dương các đảng viên đạt danh hiệu Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc có thành tích xuất sắc trong công tác. Đây là những đảng viên tiêu biểu, đại diện cho các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Những đóng góp, cống hiến của họ đã góp phần làm thay đổi bộ mặt địa phương, của ngành, lĩnh vực họ công tác và vì sự phát triển của cộng đồng, xã hội. Ở họ, mọi sự nỗ lực đến từ sắt son niềm tin với Đảng.
Báo Bà Rịa-Vũng Tàu trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 6 đảng viên tiêu biểu này.
ÔNG NGUYỄN TUẤN MINH, NGUYÊN ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, NGUYÊN BÍ THƯ TỈNH ỦY
Góp sức thúc đẩy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển bền vững
Với cương vị Bí thư Tỉnh ủy khóa IV (nhiệm kỳ 2005-2010) và khóa V (2010-2015), ông Nguyễn Tuấn Minh đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, nắm bắt thực tiễn để cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, ông luôn phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể, của các cấp, các ngành, năng động, sáng tạo và thể hiện trách nhiệm cao, luôn chủ động cập nhật tình hình khó khăn vướng mắc, yếu kém, khuyết điểm, mạnh dạn giới thiệu, gợi mở và đề xuất giải pháp xử lý.
Ông Nguyễn Tuấn Minh (bìa phải), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy cùng các đại biểu bên lề Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020. |
Ông luôn chăm lo và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong toàn đảng bộ và cả hệ thống chính trị của tỉnh, góp phần quan trọng cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo đạt nhiều thành tựu thúc đẩy tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững. Nhờ đó thành quả đạt được trong 2 nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015 là khá toàn diện và xuất hiện nhiều nhân tố mới và tiềm năng phát triển mới, tạo đà cho quá trình phát triển của những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, ông luôn quan tâm đến công tác bảo đảm an sinh xã hội, thông qua việc chỉ đạo giảm nghèo với tiêu chí cao hơn (đã ban hành nghị quyết về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015); xây dựng đủ phòng học, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục; đầu tư mới 2 bệnh viện tỉnh; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là khu vực nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp-dịch vụ. Quan tâm, chăm lo thực hiện đầy đủ các chính sách cho đối tượng người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc và các đối tượng bảo trợ xã hội.
Năm 2004, ông đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2012, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của tỉnh và của Trung ương.
--------------------------------
ÔNG PHẠM CHÍ LỢI, NGUYÊN BÍ THƯ THÀNH ỦY, NGUYÊN CHỦ TỊCH HĐND, NGUYÊN CHỦ TỊCH UBND TP. BÀ RỊA
Nhiều đóng góp quan trọng vì sự phát triển của thành phố
Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, như: Nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND (2014-2015) TP. Bà Rịa, Chủ tịch UBND TP. Bà Rịa (2010-2014) và đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của thành phố.
Ông Phạm Chí Lợi. |
Bản thân ông từng là Giám đốc Công ty quản lý công trình công cộng huyện Châu Thành (sau này là Công ty công trình Đô thị TX. Bà Rịa) nên ông luôn quan tâm đến việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Trong đó, ông đã xây dựng Đề án xây dựng thị xã văn hóa Bà Rịa, giai đoạn 2006-2010, khi giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND TX. Bà Rịa. Một trong những “điểm nhấn” khi thực hiện Đề án này là vận động người dân di dời 11.000 ngôi mộ trong nội đô để xây dựng các công trình công cộng; dành 1% ngân sách để xây dựng các thiết chế và hoạt động văn hóa; xây dựng môi trường văn minh đô thị, vận động người dân không xả rác ra môi trường… Những nỗ lực của tập thể nói chung, của ông Phạm Chí Lợi nói riêng đã giúp Bà Rịa được công nhận danh hiệu “Thị xã văn hóa” giai đoạn 2006-2010.
Tiếp tục những nỗ lực nâng cao đời sống người dân, trong năm 2015, ông đã có các sáng kiến về “Chỉ đạo thực hiện Đề án nâng cao chất lượng TP. Bà Rịa văn hóa giai đoạn 2011-2015” và “Lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IV, nâng cấp TX. Bà Rịa lên thành phố và lên đô thị loại II”. Giai đoạn 2010-2015 được xem là thời điểm ghi dấu ấn đậm nét của ông Phạm Chí Lợi trên cương vị Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND TP. Bà Rịa, trong đó có việc đưa Bà Rịa được công nhận là đô thị loại II từ tháng 11/2014, sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh và Đảng bộ thành phố.
Ông Phạm Chí Lợi đã đạt nhiều danh hiệu, giải thưởng, như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba, Bằng Lao động sáng tạo công trình sáng kiến do Tổng LĐLĐ cấp; Chiến sĩ thi đua toàn quốc các năm 2005, 2012.
--------------------------------
ÔNG LÊ VĂN KHÁNG, CHỦ TỊCH HĐQT CÔNG TY CP THỦY SẢN VÀ XUẤT NHẬP KHẨU CÔN ĐẢO
Đưa thương hiệu thủy sản Việt Nam ra thế giới
Năm 1989, Công ty CP thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) được thành lập. Ông Lê Văn Kháng được lãnh đạo huyện Côn Đảo tín nhiệm giao trọng trách Giám đốc. Lúc đó, Coimex là DN thủy sản duy nhất còn lại của Côn Đảo, nhưng tài sản chỉ gồm 6 tàu đánh cá, trong đó 1 tàu hoạt động cầm chừng, 1 tàu mục nát, 2 tàu phải sửa chữa lớn. “Cái khó ló cái khôn”, ông Lê Văn Kháng đã mạnh dạn vay vốn bằng cách thế chấp tài sản của mình để lấy tiền sửa chữa, nâng cấp, mua sắm máy, thiết bị phục vụ đánh bắt. Kết quả, đến năm 1995, Công ty đã nâng quy mô đội tàu lên 26 chiếc, với trang thiết bị thông tin liên lạc, ngư cụ bảo đảm hoạt động đánh bắt dài ngày trên biển; doanh thu tăng từ 2,6 tỷ đồng năm 1989 lên 106 tỷ đồng năm 1995, nộp ngân sách bình quân 18 tỷ đồng/năm.
Ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch HĐQT Công ty Coimex. |
Năm 1997, Coimex quyết định mở nhà máy sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu thủy sản tại Vũng Tàu. Lúc này, ngư trường khai thác hải sản ngày càng khó khăn, trong khi tỷ lệ cá tạp, cá nhỏ nhiều. Chẳng hạn, với 100 tấn cá thì chỉ khoảng 30% là cá lớn, mực ống có thể xuất khẩu. Số còn lại phải bán rẻ cho người chăn nuôi làm thức ăn, phân bón, khô, mắm. Trước thực trạng đó, ông luôn trăn trở với câu hỏi: “Làm sao để biến cá tạp thành cá thương phẩm?” và sản phẩm “chả cá surimi” ra đời từ đó.
Với nguồn cung dồi dào, Công ty tập trung giải quyết công nghệ chế biến bằng việc áp dụng công nghệ tiên tiến nhất. Sản phẩm “chả cá” của Việt Nam thương hiệu surimi xuất đi từ Côn Đảo đã đến Nhật, Singapore. Khẩu vị độc đáo của surimi cũng như cách chế biến đặc biệt của Việt Nam đã sớm tạo nên uy tín cho sản phẩm “chả cá” đông lạnh Việt Nam và không lâu sau, nó đã đến được thị trường châu Âu.
Những ngày sau đó, nhà máy chạy hết công suất với 100 tấn/ngày, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Sau bước đi đó, ông tiếp tục cổ phần hóa Coimex và mở rộng vùng nguyên liệu xuống Hậu Giang, ra đến tận Thanh Hóa. Hiện nay, mỗi năm, Coimex xuất khẩu 24 ngàn tấn surimi sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…
Với những đóng góp của mình, năm 2013, ông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; cùng các phần thưởng cao quý khác: Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Lao động các hạng: Nhất; Nhì; Ba.
--------------------------------
BÀ TRẦN THỊ TRINH, NGUYÊN TỈNH ỦY VIÊN, NGUYÊN CHỦ TỊCH HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH
Sáng tạo trong phong trào phụ nữ
Năm 1991, bà Trần Thị Trinh được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong quá trình công tác, bà Trần Thị Trinh đã có 10 sáng kiến về mô hình, phong trào phụ nữ. Chẳng hạn, mô hình “Tổ phụ nữ lồng ghép trong tổ địa bàn dân cư” của bà đã được nhân rộng trong toàn quốc và được nhiều tỉnh, thành đến học tập kinh nghiệm. Trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, bà đã phát động và thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Nuôi dạy con tốt, hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”, cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, phong trào xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”…
Bà Trần Thị Trinh, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh (ngoài cùng, bên trái) chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu tại Đại hội Hội LHPN tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021. |
Đặc biệt, trong công tác hỗ trợ, giúp phụ nữ nghèo vươn lên làm chủ kinh tế gia đình, bà Trần Thị Trinh đã có sáng kiến xây dựng nhóm phụ nữ tiết kiệm trong đồng bào dân tộc Châu Ro. Đến nay, 100% hội viên là phụ nữ dân tộc ít người đều tham gia nhóm phụ nữ tiết kiệm. Sáng kiến này cũng đang được các cấp hội phụ nữ thực hiện, thu hút hơn 60% hội viên tham gia tổ tiết kiệm. Từ nguồn tiền tiết kiệm này, các tổ đã xoay vòng, giúp hội viên có thêm nguồn vốn để kinh doanh, buôn bán, sửa sang nhà cửa… Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh khẳng định, các sáng kiến trên bà của Trinh là tiền đề cho các cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ: Tự tin, trung hậu, đảm đang”, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… mà hiện nay các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh đang phát huy và thực hiện có hiệu quả.
Bà Trinh cũng là người khởi xướng việc thành lập quỹ học bổng mang tên “Nguyễn Thị Định” nhằm giúp trẻ em nghèo tiếp tục được cắp sách đến trường. Hiện nay, quỹ học bổng này vẫn được duy trì, giúp cho hàng chục ngàn HS nghèo, hiếu học có điều kiện học tập tốt hơn.
Với những đóng góp trong 11 năm làm Chủ tịch Hội LHPN tỉnh (1991-2002), bà Trần Thị Trinh đã được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương ghi nhận với nhiều Bằng khen, Giấy khen. Trong đó, năm 2000, bà được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
--------------------------------
BÁC SĨ NGÔ THÀNH PHONG, GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN TÂM THẦN TỈNH
Khóc, cười cùng bệnh nhân
Tốt nghiệp ngành y sĩ đa khoa, Trường CĐ Y tế Đồng Nai, bác sĩ Ngô Thành Phong đã trải qua nhiều vị trí công tác. Năm 2003, ông được giao nhiệm vụ phụ trách chương trình Dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em tỉnh BR-VT. Năm 2006, Bệnh viện (BV) Tâm thần tỉnh được thành lập, bác sĩ Phong được tin tưởng giao nhiệm vụ Giám đốc. Những năm đầu hoạt động, BV đối diện nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực. Ông đã tìm mọi cách để “chèo lái” tập thể BV từng bước vượt qua.
Bác sĩ Ngô Thành Phong (thứ 2, bên trái qua) thăm khám cho bệnh nhân tâm thần đang điều trị nội trú tại bệnh viện. |
Nhiều năm liền, BV luôn thiếu bác sĩ, nên ngoài công việc điều hành, bác sĩ Ngô Thành Phong còn tham gia công tác khám, chữa bệnh để giảm áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ. Bên cạnh đó, ông cũng nghiên cứu các phương pháp điều trị mới để rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của ông và các bác sĩ BV Tâm thần tỉnh đã được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, hỗ trợ cho việc phát hiện sớm và giúp bệnh nhân tâm thần hòa nhập cộng đồng như: “Thực trạng và giải pháp cho bệnh nhân tâm thần phân liệt trong cộng đồng tại tỉnh”, “Phát hiện và điều trị bệnh tâm thần trong học đường”…
Gần 17 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần, bác sĩ Ngô Thành Phong dành cho họ sự quan tâm đặc biệt. Trong quá trình điều trị, để hiểu bệnh nhân, đôi khi ông phải “hóa thân” thành người bệnh, cùng nói, cùng cười, cùng khóc với họ. Để bữa ăn của bệnh nhân ngày càng được cải thiện, bác sĩ Phong đã cho thành lập “Bếp ăn an toàn cho người bệnh theo tiêu chuẩn HACCP” tại BV và đây là BV đầu tiên trong toàn tỉnh áp dụng mô hình này.
Với những đóng góp to lớn cho công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, bác sĩ Ngô Thành Phong vinh dự nhận được nhiều danh hiệu cao quý do Đảng, Nhà nước trao tặng: Thầy thuốc ưu tú (năm 2010); Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2012), Chiến sĩ thi đua toàn quốc (năm 2016).
--------------------------------
CÔ NGUYỄN THỊ THU THỦY, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG MN CHÂU THÀNH, TP. VŨNG TÀU
Sáng kiến vì học sinh
33 năm gắn bó với nghề giáo, cô Nguyễn Thị Thu Thủy được nhiều người nể phục vì những sáng kiến trong các hoạt động, phong trào dạy học. Tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Vũng Tàu, năm 1986 cô Thu Thủy về công tác tại Trường MN Châu Thành từ đó đến nay với 21 năm đứng lớp, 12 năm làm công tác quản lý. Dù ở cương vị nào, cô cũng luôn tìm tòi, nghiên cứu những phương pháp làm việc sáng tạo, khoa học, phục vụ hiệu quả trong công tác chuyên môn.
Cô Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Hiệu trưởng Trường MN Châu Thành nhận Bằng khen của Bộ GD - ĐT cho nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2018. |
Từ năm 2013 đến nay, khi đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường MN Châu Thành, cô luôn thể hiện vai trò tiên phong trong các nhiệm vụ, cùng tập thể GV, nhân viên đưa nhà trường phát triển. Một trong những nhiệm vụ cô đặc biệt quan tâm là nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong độ tuổi từ 24 đến 72 tháng. Để làm tốt công tác này, ngay từ đầu năm học, cô Thủy và các thành viên trong Ban giám hiệu nhà trường triển khai kế hoạch “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm”. Theo đó, người quản lý, GV, nhân viên cần phối hợp với gia đình của trẻ, tổ chức, cá nhân trong cộng đồng thường xuyên cải tạo đồ dùng học tập, đồ chơi, thay đổi các mô hình phù hợp, giúp trẻ tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm. Qua đó tạo cho trẻ bộc lộ hết khả năng của bản thân.
Từ năm học 2015-2016 đến 2018-2019, cô Thủy đã có 5 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và cấp tỉnh. Các sáng kiến này đã và đang được áp dụng tại Trường MN Châu Thành và nhiều trường MN khác trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các đề tài tiêu biểu như: “Bộ đồ dùng đồ chơi Mô hình kỳ diệu” đạt sáng kiến toàn quốc năm 2017; “Một số giải pháp trong công tác xây dựng Trường MN Châu Thành đạt chuẩn quốc gia” đạt sáng kiến cấp tỉnh năm 2016, “Giải pháp quản lý phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ” đạt sáng kiến cấp tỉnh năm 2018…
Với sự năng nổ, nhiệt tình, sáng tạo, chịu khó, nói đi đôi với làm, cô Nguyễn Thị Thu Thủy đã cùng các đồng nghiệp xây dựng Trường MN Châu Thành trở thành ngôi trường dẫn đầu trong các phong trào thi đua dạy và học của ngành GD-ĐT tỉnh. Năm 2017, Trường MN Châu Thành được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Cô Nguyễn Thị Thu Thủy cũng vinh dự nhận được nhiều phần thưởng: Chiến sĩ thi đua toàn quốc (năm 2000); Nhà giáo ưu tú (năm 2006); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2017); năm 2018, cô 2 lần được nhận Bằng khen của Bộ GD-ĐT…
NHÓM PHÓNG VIÊN