Đảng viên phải thường xuyên "tự soi, tự sửa"
Nghị quyết Đại hội XII và đặc biệt là Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chủ trương ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đó không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà còn thôi thúc cán bộ, đảng viên tự giác, tiên phong “tự soi, tự sửa” để không ngừng tiến bộ, góp phần làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, luôn ngang tầm nhiệm vụ chính trị.
Đảng viên và quần chúng luôn tự hào về sự lớn mạnh, trưởng thành của Đảng, nhưng vẫn còn nhiều trăn trở, suy tư. Từ chỉ “một bộ phận” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã lan thành “một bộ phận không nhỏ” và điều làm chúng ta lo lắng hơn là trong đó không ít đảng viên nắm giữ vị trí lãnh đạo cấp cao của Đảng.
Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên đã diễn ra với những biểu hiện trên diện rộng, ngày càng tinh vi, phức tạp: Phai nhạt lý tưởng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, cục bộ địa phương; lối sống thực dụng; làm việc vô nguyên tắc; tham nhũng, lãng phí, quan liêu… Tình trạng đó do nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết: Cán bộ, đảng viên đã sa vào chủ nghĩa cá nhân; không thành khẩn “tự soi”, chưa đủ bản lĩnh và dũng khí tự phê bình, “tự chỉ trích”, tự nhận, tự sửa khuyết điểm, yếu kém của mình.
Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chỉ ra quy luật tồn tại, phát triển của Đảng là tự phê bình và phê bình, đó cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Người căn dặn, nhắc nhở đảng viên, cán bộ của Đảng phải chăm lo tu dưỡng, rèn luyện, tự kiểm điểm, tự đánh giá, “tự soi, tự sửa” bản thân thường xuyên, liên tục như “ngày nào cũng ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn”; phải coi “tự phê bình” là liều thuốc hữu hiệu nhất để cứu mình và “phê bình” là thang thuốc không thể thiếu để cứu đồng chí, đồng đội mình. Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII đã nhấn mạnh: Tự phê bình và phê bình là một trong những giải pháp cơ bản, quan trọng, mang tính quyết định để ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đảng viên là những tế bào cấu thành Đảng, Đảng mạnh hay không trước hết lệ thuộc vào chất lượng đội ngũ đảng viên. Bác Hồ từng chỉ rõ: “Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”, vì vậy mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ “tự soi, tự sửa”, tự kiểm điểm bản thân định kỳ theo quy định, sau mỗi nhiệm vụ được giao, hoặc khi chuyển công tác, mà “tự soi, tự sửa” còn phải được thực hiện thành nề nếp sau mỗi ngày. Tự nhìn nhận, soi xét lại mình sẽ giúp cán bộ, đảng viên: Thấy gì tốt tiếp tục phát huy, những gì khiếm khuyết thì “tự điều chỉnh” khắc phục, điểm gì chưa tốt thậm chí là xấu thì tìm cách “tự gội rửa”. Một đảng viên “tự soi, tự sửa” ắt sẽ làm cho cá nhân đảng viên trưởng thành, tốt lên; hàng triệu đảng viên cùng “tự soi, tự sửa” thì chắc chắn trong Đảng sẽ có hàng triệu đảng viên tốt, nhiều chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh, làm nền tảng vững chắc giúp Đảng giữ vững và phát huy có hiệu quả vai trò lãnh đạo.
“Người đời không phải thánh”, dù là cán bộ, đảng viên cũng không ai có thể “tròn trịa”, không ai có thể tránh được sai lầm, khuyết điểm. Mặt khác, tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người cũng không phải là bất biến. Hôm nay nhờ “tự soi, tự sửa” mà khắc phục được khuyết điểm trở thành cán bộ, đảng viên tốt, nhưng ngày mai trong điều kiện, hoàn cảnh mới, nếu sống buông thả, không chịu “tự soi, tự sửa” thì chắc chắn sẽ tái phạm hoặc nảy sinh nhiều khuyết điểm mới, lớn hơn, nguy hại hơn. Điều đó cảnh báo, thức tỉnh cán bộ, đảng viên phải luôn cảnh giác, dũng cảm nhìn vào những khuyết điểm ngay từ mầm mống để ngăn chặn từ xa, đẩy lùi từ sớm. Đừng để khuyết điểm tích tụ nhỏ thành lớn, ít nghiêm trọng trở nên nghiêm trọng, trượt dài thành kẻ cấu kết với thế lực thù địch, chống Đảng, Nhà nước, gây hậu quả khôn lường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân.
Tư tưởng bảo thủ, sợ mất thể diện, ngại nói ra những khuyết điểm… đã sản sinh hiện tượng cán bộ, đảng viên trong tự phê bình chỉ thấy ưu điểm, ít khi đề cập, thậm chí né tránh, dấu diếm khuyết điểm của mình. Và thực tế “tự soi, tự sửa” - “vạch áo cho người xem lưng” trở thành cuộc đấu tranh tư tưởng không kém phần cam go, luôn giằng xé trong mỗi con người. Để “tự soi, tự sửa” đạt hiệu quả, người cán bộ, đảng viên phải tự giác và tích cực rèn luyện bản lĩnh, dám nhìn nhận hết những dấu hiệu suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để có giải pháp “tự sửa” bản thân. Tổ chức đảng cần chú trọng xây dựng môi trường, tạo điều kiện thuận lợi giúp cán bộ, đảng viên dũng cảm “tự soi” để “tự nhận” và “tự sửa” những khuyết điểm ấy. Được sống, sinh hoạt, làm việc trong bầu không khí “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, cởi mở, chân thành, thường xuyên bảo ban, dám nói hết với nhau, cùng hướng đến những điều tốt đẹp, chắc chắn môi trường đó sẽ giúp cán bộ, đảng viên không sợ bộc lộ và tự tin sửa chữa khuyết điểm, yếu kém của mình. Trong sinh hoạt đảng phải mở rộng dân chủ, thường xuyên động viên, biểu dương những đảng viên có ý thức và hành động mẫu mực về “tự soi, tự sửa”; phê bình những đảng viên né tránh khuyết điểm. Bí thư, cấp ủy phải trở thành tấm gương sáng về “tự soi, tự sửa” và chú trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng. Khi phát hiện cá nhân có dấu hiệu suy thoái phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời, cần thiết chỉ đạo kiểm điểm và xử lý kiên quyết, đúng mức.
Mục tiêu và những giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” do Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư, khóa XII đề ra vẫn là đích vươn tới, là kim chỉ nam cho hành động trong công tác xây dựng Đảng. Điều đó chỉ đạt được hiệu quả cao nhất khi “tự soi, tự sửa”, “tự răn, tự rèn” trở thành nhu cầu nội tại, tự giác, thường xuyên trong mỗi cán bộ, đảng viên.
NGUYỄN QUANG PHI