Khó tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách
Ngày 14/9, tiếp tục Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Luật đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, lần này sửa đổi, bổ sung 11/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Đáng chú ý là việc sửa đổi quy định về tỷ lệ đại biểu chuyên trách là vấn đề được đặt ra và còn có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội, tuy nhiên quy định này không hạn chế việc có thể bố trí số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhiều hơn tỷ lệ nói trên. Do đó, để thực hiện yêu cầu về tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thì không cần thiết phải sửa đổi quy định của luật mà tùy theo đề án bầu cử đại biểu Quốc hội của từng nhiệm kỳ sẽ xác định hợp lý tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phù hợp với yêu cầu và khả năng đáp ứng của bộ máy. Điều này cũng phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị sửa quy định của Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn (37-40% hoặc 50%) để có cơ sở phấn đấu, sắp xếp cán bộ và quy định cơ cấu đại biểu Quốc hội một cách hợp lý, giảm số lượng đại biểu Quốc hội là người kiêm nhiệm các chức danh trong khối các cơ quan hành pháp, tư pháp để tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn cho việc thực hiện yêu cầu mà Trung ương đã đề ra.
Thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất và cho rằng cách quy định tỷ lệ tối thiểu như Luật hiện hành không ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của Đảng mà tùy thuộc yêu cầu, điều kiện cụ thể của từng nhiệm kỳ, sẽ xác định mức tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách một cách hợp lý trong các đề án bầu cử đại biểu Quốc hội, có thể là 37% và cao hơn nữa.
Thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, phải quy định tỷ lệ tối thiểu phải đạt 35% đại biểu Quốc hội chuyên trách, bởi việc nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách là xu hướng chung của thế giới.
XUÂN TÙNG