.

Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Cập nhật: 21:29, 12/09/2019 (GMT+7)

Tiếp tục phiên làm việc ngày 12/9, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2019 số lượng các loại vụ việc mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết có xu hướng gia tăng. 

Từ ngày 1/10/2018 đến ngày 31/7/2019, các Tòa án đã giải quyết được 410.572 vụ việc trong tổng số 539.559 vụ việc đã thụ lý (đạt 76,1%). So với cùng kỳ năm trước, số vụ việc đã thụ lý tăng 63.949 vụ; đã giải quyết tăng 56.427 vụ.

Mặc dù số lượng án tăng 63.949 vụ so với năm trước, nhưng hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật, chỉ còn 80 vụ án dân sự và hành chính để quá hạn luật định do lỗi chủ quan của Tòa án. Tỷ lệ hòa giải thành tiếp tục được duy trì ở mức cao (54,1%). 

Bên cạnh các kết quả đạt được, ông Nguyễn Hòa Bình đã nêu ra một số hạn chế, thiếu sót như: Tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao; còn có trường hợp áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chưa chính xác; xác định chưa đúng, chưa đầy đủ các thành phần tham gia tố tụng...

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, năm 2019 cơ quan chức năng đã khởi tố mới 65.924 vụ án, tăng 9,4% so với năm 2018; số vụ án mới khởi tố trong các nhóm tội phạm đều tăng. Trong đó, số vụ án về nhóm tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia tăng 58,8%. Số vụ án về ma túy tăng 12,6%, lực lượng chức năng liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển số lượng ma túy lớn. Số vụ án về nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường tăng 10,2%; đã phát hiện nhiều vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định về cho vay trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều vụ án trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Số vụ án về nhóm tội xâm phạm trật tự xã hội tăng 5,4%. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ khởi tố mới tăng 3,8%, đã khởi tố điều tra nhiều vụ xảy ra trong lĩnh vực đầu tư công, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, với động cơ tư lợi của người có chức vụ, quyền hạn.

Ông Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế pháp luật bảo đảm giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, bảo đảm pháp chế thống nhất và giao cho cơ quan độc lập thực hiện nhiệm vụ này; có chế tài xử lý nghiêm đối với việc ban hành các văn bản dưới luật vi phạm Hiến pháp, trái luật, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

QUỲNH HOA

 
.
.
.