.
KỶ NIỆM 89 NĂM XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH 12/9 (1930 - 2019)

Sống mãi hào khí Xô Viết Nghệ Tĩnh

Cập nhật: 22:04, 11/09/2019 (GMT+7)

Cao trào Cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc đấu tranh dân tộc, dân chủ nhân dân đầu tiên; là mốc son chói lọi, biểu tượng của Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng; mở đầu trang sử oanh liệt của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. 89 năm đã trôi qua, nhưng ngọn lửa Xô Viết vẫn rực cháy và sáng mãi cùng non sông, đất nước.

Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh được thể hiện qua tranh sơn dầu.
Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh được thể hiện qua tranh sơn dầu.

Những năm 30 của thế kỷ XX, thực dân Pháp đã đổ tất cả hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933) lên đầu nhân dân Việt Nam. Với chính sách cai trị hà khắc, đàn áp, khủng bố dã man, chúng đã làm cho nền kinh tế Việt Nam đình đốn, bầu không khí chính trị ngột ngạt và đời sống nhân dân điêu đứng. Trong bối cảnh đó, Đảng ra đời và thổi bùng ngọn lửa, kêu gọi nhân dân đoàn kết đứng lên đấu tranh chống khủng bố, đòi quyền tự do, dân chủ và cải thiện đời sống. Theo tiếng gọi của Đảng, phong trào đấu tranh của nhân dân trên cả nước, từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi đã bùng lên mạnh mẽ, mà tiêu biểu nhất là phong trào ở vùng quê Nghệ An, Hà Tĩnh (Nghệ Tĩnh).

Trong 2 năm 1930 và 1931, phong trào cách mạng của công nhân và nông dân ở vùng Nghệ Tĩnh thật sự trở thành ngày hội của quần chúng. Hàng trăm cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân và liên kết giữa công nhân với nông dân đã dồn dập tấn công vào bộ máy cai trị của thực dân, phong kiến. Sức mạnh như chẻ tre của quần chúng làm cho kẻ thù lo sợ, buộc phải chấp nhận ký vào văn bản yêu sách của nhân dân. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của: Công nhân Nhà máy diêm, Nhà máy cưa Bến Thủy đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm sưu thuế; cuộc đấu tranh của hàng chục ngàn nông dân huyện Thanh Chương đòi bỏ sưu thuế, thả tù chính trị và làn sóng nổi dậy mạnh mẽ của hàng chục ngàn nông dân các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Anh Sơn, Can Lộc, Thạch Hà, Hương Khê…

Đặc biệt, cuộc đấu tranh của 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên vào ngày 12/9/1930 đã trở thành đỉnh cao của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nhân dân Hưng Nguyên tuần hành, biểu tình, thị uy để hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện, cuộc bãi công của công nhân Vinh - Bến Thủy và phản đối chính sách khủng bố của đế quốc, tay sai. Đoàn biểu tình xếp thành hàng dài, khi về đến TP. Vinh, số lượng lên đến 30 ngàn người. Thực dân Pháp đã cho máy bay dội bom thảm sát, làm 217 người dân vô tội hy sinh, 125 người bị thương, đốt cháy 177 ngôi nhà, 2 làng Lộc Châu và Lộc Hải bị tiêu hủy hoàn toàn. Như đổ thêm dầu vào lửa, quần chúng nhân dân càng vùng lên như vũ bão, dũng cảm, không sợ hy sinh, đấu tranh quyết liệt và kéo dài cho đến năm 1931, làm cho chính quyền thực dân, phong kiến nhiều nơi run sợ phải nộp lại ấn tín, bỏ trốn, tan rã. Toàn quyền Đông Dương Renè Robin đã phải cay đắng thừa nhận: “Chính quyền bản xứ thuộc mọi cấp trong tỉnh đều tê liệt, không thể nêu tên một người cầm đầu nào, không thể nhờ cậy vào một sự trợ giúp nào của các chức trách cấp tổng và xã, khiến người ta có cảm giác rằng họ đã mất hết uy quyền”.

Trước sự sụp đổ của chính quyền thực dân, phong kiến, 200 làng, xã ở Nghệ An, 172 làng, xã ở Hà Tĩnh đã thành lập chính quyền Xô Viết. Đây là hình thức nhà nước công nông đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam - sản phẩm tiêu biểu do chính cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh mang lại. Cho dù chỉ tồn tại 7 tháng, nhưng chính quyền cách mạng sơ khai đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, đáp ứng được khát vọng cháy bỏng độc lập, tự do của nhân dân. Nhiều chính sách mới về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của chính quyền Xô Viết đã làm cho nông dân vùng quê Nghệ Tĩnh đổi thay to lớn: Được hưởng quyền tự do, các thứ thuế vô lý, bất công được bãi bỏ, chia lại ruộng đất, cùng nhau đoàn kết bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng đời sống mới…

Cho dù Xô Viết Nghệ Tĩnh bị thực dân Pháp khủng bố, đàn áp, sớm dìm trong biển máu, nhưng hình ảnh lá cờ đỏ búa liềm cùng chính quyền Xô Viết của dân, do dân, vì dân mãi khắc sâu trong tâm khảm của người dân trên cả nước. Xô Viết Nghệ Tĩnh không chỉ là nguồn động viên, cổ vũ phong trào cách mạng của nhân dân ta, mà còn là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam”.

NGUYỄN QUANG PHI

 
.
.
.