.

Lấy ý kiến nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước về các dự thảo Văn kiện quan trọng

Cập nhật: 19:21, 26/08/2019 (GMT+7)

Sáng 26/8, tại Hà Nội, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII đã tổ chức Hội nghị xin ý kiến góp ý của nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam vào các dự thảo Văn kiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; các đồng chí nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, mong muốn tại hội nghị này, Tiểu ban được lắng nghe các ý kiến tâm huyết vào Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và Phương hướng phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Thủ tướng khẳng định, xây dựng văn kiện là vấn đề hệ trọng, mang tính quyết định đến tương lai phát triển của đất nước trong 5 đến 10 năm tới, đến năm 2030, 100 năm thành lập Đảng... Thủ tướng nhấn mạnh: “Ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo hôm nay góp phần quan trọng hoàn thiện những quan điểm, định hướng phát triển, cả tầm chiến lược và sách lược trên các lĩnh vực; đồng thời củng cố sự tin tưởng, sức mạnh của sự đoàn kết thống nhất, gắn bó, tính kế thừa với tinh thần trách nhiệm cao giữa các thế hệ lãnh đạo trong Đảng, Nhà nước ta, tất cả vì dân, vì nước, vì tương lai tươi sáng của dân tộc”.

Điểm lại những nội dung lớn của dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm và Phương hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm và xin ý kiến góp ý về các nội dung này, Thủ tướng chỉ rõ những kết quả quan trọng của kinh tế xã hội đất nước sau hơn 30 năm đổi mới; đồng thời phân tích bối cảnh phức tạp của thế giới, tình hình trong nước với những vấn đề đặt ra. Trong bối cảnh đó, cả yêu cầu nội tại và yêu cầu từ bên ngoài để tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn, hiệu quả hơn.

Xuất phát từ yêu cầu đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Tiểu ban đã thảo luận, nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất mục tiêu chiến lược, quan điểm phát triển, đột phá chiến lược, định hướng - giải pháp trọng tâm trong 5-10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, Hội nghị mong muốn nhận được ý kiến góp ý về các nội dung này. Thủ tướng cho rằng, các nhận định đúng và trúng về tình hình quốc tế và trong nước sẽ giúp đất nước không bỏ lỡ cơ hội, tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là những ngành mà Việt Nam đang có lợi thế như nông nghiệp, chế biến chế tạo ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ du lịch...

QUANG VŨ

.
.
.