"Không phải huyền thoại, mà là trí tuệ con người"
“Một người dáng vẻ rất giản dị. Một bộ mặt cởi mở. Còn hơn một anh hùng. Tướng Giáp. Ông thuộc dòng những chiến sĩ mà người ta sẽ kể những chiến công từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có lẽ ngay cả những nhà sử học cũng cần rất nhiều luận chứng để tránh miêu tả ông như một nhân vật truyền thuyết, để kể lại trung thành những giá trị của ông...”. Trước khi đến Vũng Chùa - Đảo Yến (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), tôi vô cùng xúc động khi đọc trích đoạn xã luận của tờ El moudjiahd, xuất bản tại Algeria ngày 4/1/1976, nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Algeria, được nhà văn Hữu Mai sử dụng trong phần I của cuốn tiểu thuyết “Không phải huyền thoại”...
Dòng người đổ về viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Trạch, Quảng Bình). |
TRÍ TUỆ BẬC THẦY!
Vị Đại tướng đặc biệt Võ Nguyên Giáp - học trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tốt nghiệp cử nhân luật và kinh tế, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 14 tuổi khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thường viết báo và dạy học. Đại tướng chưa từng nghĩ mình sẽ cầm quân đánh giặc và trở thành một nhân vật huyền thoại trong mắt của cả kẻ thù. Và như nhà văn Hữu Mai đã kể: Khi được Bác nói “Chú Văn - bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - sẽ lên Diên An học quân sự”, phản ứng đầu tiên của anh Văn là: “Từ trước tới giờ chỉ quen cầm bút chưa quen cầm kiếm”. Và trên đường đi Diên An (Trung Quốc) thì anh Văn được Bác gọi quay lại. Nước Pháp đã đầu hàng phát xít Đức, Bác thấy mọi người cần trở về nước ngay để chuẩn bị đón thời cơ. Nhiều người tiếc cho chuyện đi học quân sự không thành của anh.
Vâng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một bí ẩn lớn đối với thế giới, nhiều nhà nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam đã phải cất công tìm hiểu về anh Văn mà vẫn không làm sao giải thích được, trong điều kiện hạn chế nhường ấy, dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dẫn dắt đội quân “nông dân chân đất” dành thắng lợi vang dội địa cầu trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Rồi tiếp đến sau này là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” (1972) và kết thúc là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sử dụng sức mạnh toàn dân để trấn áp mọi kẻ thù! Tạp chí George (Mỹ), tháng 11/1998 đã viết: “Ông đã huy động tất cả mọi người tham gia cuộc chiến, làm cho lính Mỹ, xa nhà hàng ngàn dặm, không bao giờ có thể cảm thấy an toàn. Ông đã duy trì cuộc chiến dai dẳng làm cho nguồn lực và nhuệ khí của địch cạn kiệt...”
Quay trở lại với Điện Biên Phủ. Hãy thử hình dung, anh Văn đã cầm quân tài tình như thế nào trong chiến dịch Điện Biên Phủ trước đội quân hùng mạnh của thực dân Pháp khi trong tay anh Văn chỉ có: “Pháo đói đạn trầm trọng. Có ngày mỗi khẩu pháo của ta chỉ còn hai, ba viên đạn. Bắn quá 3 viên 105 phải xin phép Tham mưu trưởng, quá 10 viên phải xin phép Tổng Tư lệnh. Về đạn 105 ly ta chỉ có tổng số khoảng 20 ngàn viên, gồm 11 ngàn viên chiến lợi phẩm của chiến dịch biên giới, 3,6 ngàn viên do Trung Quốc viện trợ kèm theo pháo, 440 viên chiến lợi phẩm ở mặt trận Trung Lào, và khoảng 5 ngàn viên thu được của địch thả dù tiếp tế. Sau chiến tranh Triều Tiên, đạn pháo 105 ở Trung Quốc cũng rất kham hiếm, số đạn bạn tiếp tế đến tận tháng 5/1954 mới ra tới, khi trận đánh đã kết thúc!”.
Tướng Westmoreland, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam nói: “Kết cục của cuộc chiến tranh Việt Nam được gắn phần lớn cho một vài cá nhân kiệt xuất về quân sự của đối phương... chủ yếu là tướng Giáp. Ông thành thạo trong những chiến thuật du kích bám sát theo quy mô nhỏ”. Và John Kennedy, nhà báo Mỹ viết: “Những trận chiến với Pháp đã chứng minh sự đúng đắn của ông, và trong chiến tranh chống Mỹ, một lần nữa, tướng Giáp lại thể hiện năng lực siêu việt trong việc khai thác điểm yếu của đối phương”.
VỊ ĐẠI TƯỚNG CỦA LÒNG DÂN
Mùa thu năm nay, đúng dịp kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 (1945-2019), chúng tôi những người con của Bà Rịa - Vũng Tàu về thăm Quảng Bình, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đứng trước mộ phần vô cùng khiêm tốn, bình dị của Người, chúng tôi lại nhớ về mùa thu năm 2013. Mùa thu năm ấy, nhân dân cả nước đã tiếc thương vị Đại tướng của mình, đứng chật cả hai bên đường để tiễn Người về cố hương yên nghỉ. Trời hôm ấy ảm đạm, mưa tuôn như cùng hiểu lòng người. Những đoàn người khắp nơi đổ về số nhà 30 Hoàng Diệu để được tiễn đưa vị Anh hùng của dân tộc và của chính mỗi người dân Việt Nam. Có những người vượt cả trăm, cả ngàn cây số từ khắp mọi miền Tổ quốc để đến đặt những nhành hoa ở nơi Người từng sống, dọc đường đưa tiễn Người về đất mẹ Quảng Bình. Những nhành hoa rừng được đồng bào Mường Phăng dâng lên anh linh Người trong căn lán nhỏ ở Điện Biên. Những người lính Trường Sa kết lá dừa làm vòng hoa viếng Người ngoài hải đảo. Những đoàn người đứng lặng trong mưa đón linh cữu Người ở Vũng Chùa - Đảo Yến, Quảng Bình. Tất cả đều lặng phắc tiễn đưa người con ưu tú về với đất mẹ, và thời gian như ngừng trôi, để viết lên hai chữ: Bất tử!
Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến, nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, thuộc thôn Thọ Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách Đèo Ngang khoảng 6km về hướng Đông Nam. Đây là vùng đất rất yên bình, an lạc. Hướng ra Biển Đông, nhưng Vũng Chùa rất kín gió vì được bao bọc bởi 3 hòn đảo: Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm. |
6 năm đã trôi qua, kể từ ngày Người trở về với đất mẹ Quảng Bình, mỗi ngày vẫn có hàng trăm người viếng Đại tướng. Những ngày này, dòng người đổ về Vũng Chùa - Đảo Yến càng đông hơn, ai cũng muốn thắp nén tâm nhang lên phần mộ đơn sơ của Đại tướng tỏ lòng thành kính, tỏ lòng biết ơn Người vô hạn - vị học trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên chiến thắng lịch sử vang dội địa cầu, đã đem lại hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho Tổ quốc.
Trước đây, địa danh này còn ít được biết đến, thì nay đã trở thành nơi nguồn cội, “địa chỉ đỏ” để nhân dân Việt Nam tìm về, tri ân vị Anh hùng dân tộc, tri ân người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, vị tướng tài ba mà cả thế giới đều thuộc tên và ngưỡng mộ, kể cả là “phía bên kia”.
TRUNG HIẾU