.
KỶ NIỆM 74 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9 (19/8/1945-19/8/2019)

Thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Cập nhật: 20:33, 15/08/2019 (GMT+7)

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là biểu tượng tuyệt vời khẳng định sức mạnh vô song của khối đại đoàn kết toàn dân. Với thắng lợi đó, nhân dân ta và nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới có quyền tự hào: “Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội  ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu 
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm: “Cách mệnh thì phải đoàn kết toàn dân chúng bị áp bức để đánh đổ cả cái giai cấp áp bức mình”, “Nếu không tổ chức được lực lượng thật rộng, thật kín thì cách mạng khó thành công”. Tháng 5/1941, dưới sự chủ trì của Bác Hồ, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 8 quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh - mái nhà chung để đoàn kết dân tộc, đoàn kết toàn dân thực hiện mục tiêu giành độc lập, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 25/10/1941 Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn: “Chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”. Mục đích cao nhất, cuối cùng của Mặt trận Việt Minh là “Cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập và làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”.

Ý Đảng, lòng dân hội tụ, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân dựa trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức được khơi dậy, các hội Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Quân nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Tự vệ cứu quốc… ra đời, phát triển nhanh chóng, rộng khắp trên cả nước vào những năm 1941, 1942, đã lôi cuốn hàng chục triệu quần chúng - một lực lượng chính trị đông đảo đi theo Đảng làm cách mạng.

Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật nổ súng lật đổ chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Ngày 8/5/1945, chiến thắng của Liên Xô buộc phát xít Đức đầu hàng và ở châu Á phát xít Nhật - kẻ thù chính của nhân dân Việt Nam cũng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân Đồng minh. Thời cơ “ngàn năm có một” đã đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Lúc này thời cơ đã đến, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập”. Đó là ý chí sắt đá, là tình cảm và là trách nhiệm lớn lao của Người trước vận mệnh của dân tộc. Vâng theo mệnh lệnh của Người, từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945, tại Tân Trào, Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 16 và 17/8/1945 Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng. Sau Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiệu triệu nhân dân cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”!

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, toàn dân nổi dậy, triệu người như một, cả nước đồng lòng, đoàn kết, nhất tề đứng lên, tạo thành ưu thế áp đảo đập tan bộ máy cai trị của phát xít Nhật và bè lũ tay sai. Trên cả nước, khởi nghĩa đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa hình thức đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, trong đó đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân là chủ yếu, buộc kẻ thù quy hàng; phát động và khơi dậy khởi nghĩa ở nông thôn kết hợp chặt chẽ với khởi nghĩa ở thành thị; đi từ khởi nghĩa từng phần, giành thắng lợi từng bước, tiến lên tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn. Trước khí thế sục sôi, sức mạnh của quần chúng nhân dân vùng lên từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm cho phát xít Nhật và tay sai của chúng hoang mang, khiếp sợ, nhanh chóng tan rã và đầu hàng. Chỉ trong vòng hai tuần lễ, từ ngày 14 đến 28/8/1945 chính quyền đã về tay nhân dân. Cả nước rực đỏ màu cờ cách mạng. 

Cố Tổng Bí thư Trường Chinh từng đánh giá: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, một phần sức mạnh ở chỗ toàn dân đoàn kết, quần chúng nổi dậy”. Đó là cuộc cách mạng điển hình về phát huy sức mạnh của nhân dân - bài học kinh nghiệm lịch sử vô giá của chân lý “Quần chúng là người làm nên lịch sử”, “Cách mạng là ngày hội của quần chúng lao động”. 

Cách mạng Tháng Tám đã lùi xa hơn bảy thập kỷ, nhưng bài học đại đoàn kết toàn dân tộc - nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố cơ bản, quyết định thành công của cách mạng vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập; nhiệm vụ cách mạng rất nặng nề; các thế lực thù địch điên cuồng chống phá; chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc cả trên đất liền, bầu trời, biển đảo đang bị đe dọa. Nếu trước kia đại đoàn kết để chiến thắng giặc ngoại xâm, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, thì ngày nay sức mạnh ấy để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu, tiến kịp với thời đại. Và tinh thần Cách mạng Tháng Tám còn giúp cả dân tộc đề cao cảnh giác, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cả thế và lực, sẵn sàng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, không để bất cứ kẻ thù nào xâm phạm dù chỉ một tấc đất của Tổ quốc thân yêu. 

NGUYỄN QUANG PHI 

.
.
.