Phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cân nhắc tăng số giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 36, sáng 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Ảnh: DOÃN TẤN |
Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cụ thể về tuổi nghỉ hưu, mở rộng khung thỏa thuận thời gian làm thêm tối đa, tiền lương làm thêm giờ... Trong đó, tăng giờ làm thêm và tăng tuổi nghỉ hưu là 2 nội dung lớn, gây tác động đến hơn 50 triệu người lao động cũng như đối tượng sử dụng lao động, nhận được nhiều ý kiến tại phiên họp.
Đối với nghỉ hưu, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định theo phương án 1 do Chính phủ trình quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án này là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62, đến năm 2035 có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Nhưng một số ý kiến đại biểu băn khoăn về quy định nâng tuổi nghỉ hưu so với hiện nay và đề nghị làm rõ về việc quy định chênh lệch tuổi nghỉ hưu là 2 năm giữa lao động nam và lao động nữ. Một số ý kiến đại biểu cũng cho rằng việc quy định này sẽ dẫn đến nhiều tranh luận giữa “tuổi nghỉ hưu” và “tuổi nghề”.
Đối với quy định mở rộng khung thỏa thuận thời gian làm thêm tối đa, bà Nguyễn Thuý Anh cho biết, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng. Một số ý kiến đại biểu cho rằng nên cân nhắc kỹ vấn đề này để phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe và thời giờ làm việc của người lao động Việt Nam.
Về tiền lương làm thêm giờ, bà Nguyễn Thuý Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ như quy định hiện hành, nhưng có ý kiến khác đề nghị cần quy định về lương làm thêm giờ theo lũy tiến. Do còn ý kiến khác nhau của các bên, Ủy ban Về các vấn đề xã hội dự kiến 2 phương án trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, phương án 1 như dự thảo do Chính phủ trình, còn phương án 2 là trả lương lũy tiến đối với thời gian làm thêm giờ tính theo số giờ làm thêm trong ngày và có sự khác biệt tương ứng với làm thêm giờ trong ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, Tết và ngày nghỉ có hưởng lương và thể hiện tại Điều 100 của dự thảo Bộ luật Lao động.
Tại phiên họp các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên cân nhắc kỹ vấn đề tăng giờ làm thêm để phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe và thời giờ làm việc của người lao động Việt Nam. Trong đó, phải bảo đảm các nguyên tắc: phải có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động; áp dụng tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và bổ sung quy định khống chế giờ làm thêm tối đa theo tháng. Việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm, tăng 100 giờ so với quy định hiện hành chỉ nên áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, mục tiêu của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là quan tâm đến đời sống của người lao động, bởi đây là vấn đề quan trọng và nhạy cảm. Nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng tới tâm tư, nguyện vọng của người lao động, ảnh hưởng tới vấn đề an ninh trật tự dễ bị lợi dụng, kích động. Với việc tăng giờ làm, trong dự thảo luật chưa có những quy định cụ thể, do đó cần xin ý kiến nhân dân về việc tăng giờ làm vì mục tiêu là tăng lương giảm giờ làm. Hơn nữa trong bối cảnh hiện nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ ngày càng cao, trình độ ngày càng phát triển, trình độ của người lao động cũng tăng lên, quản lý DN tốt hơn nên cân nhắc việc tăng thêm giờ làm.
Nêu quan điểm về việc này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng nên cân nhắc việc tăng giờ làm thêm tối đa, vì như vậy là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ và mục tiêu “tăng lương giảm giờ làm” mà chúng ta đang hướng tới.
“Xu hướng tiến bộ là tăng lương giảm giờ làm, tại sao lại tăng giờ làm thêm? Người lao động cứ quần quật làm việc trong nhà máy 48 giờ/tuần thì thời gian đâu để họ chăm sóc gia đình, con cái, chưa nói đến bản thân họ có được tái tạo sức lao động hay không”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phản ánh.
Chỉ rõ tình trạng vi phạm về làm thêm giờ khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực và xuất phát phần lớn do nhu cầu của DN muốn tăng đơn hàng, tăng doanh thu nhưng không muốn tăng thêm chi phí đầu tư cho việc mở rộng sản xuất, thuê người lao động, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến: Không thể mỗi lần sửa Luật là tăng thêm giờ làm việc cho người lao động. Cần cân nhắc thấu đáo việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm.
“Chúng ta cũng nhìn nhận thẳng vào vấn đề người lao động làm thêm giờ có thực sự hưởng lương làm thêm giờ như các quy định của Luật hay không. Bởi vì đa số DN hiện nay trả lương cho người lao động theo đơn giá sản phẩn nên người lao động làm thêm giờ thì có thêm thu nhập thật nhưng thu nhập này không phải giá trị do làm thêm giờ, không phải giá trị làm thêm như chúng ta mong muốn, quy định”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Phát biểu kết luật tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật cần được tiếp tục rà soát thêm; các cơ quan, trong đó có cơ quan soạn thảo dự luật, cần tiếp tục thiết kế quy định sao cho khả thi và có cơ sở để Chính phủ hướng dẫn trong thời gian tới.
Đối với tiền lương, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp Bộ LĐTBXH, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cơ quan để có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ, gửi đến cơ quan chủ trì thẩm tra làm cơ sở quyết định phương án quy định cụ thể. Về việc trả lương làm thêm giờ, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả bên sử dụng lao động. Bộ luật Lao động có tác động lớn hướng tới nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, đề cao trình độ kỹ thuật, cải tiến khoa học, chăm lo cải thiện chất lượng lao động, hướng tới nhân văn.
Về tuổi nghỉ hưu, đây là vấn đề lớn, đề nghị cần có những bước đi thận trọng, chắc chắn, cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng vì có những đối tượng chịu sự điều chỉnh qua nhiều quy định, cấp độ khác nhau - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
HẠNH QUỲNH