.
KỶ NIỆM 74 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9 (1945-2019)

Tháng Tám về làng Sen nhớ Bác

Cập nhật: 20:04, 21/08/2019 (GMT+7)

Trong nắng sớm của đầu thu tháng Tám, chúng tôi hòa vào dòng người bất tận nối nhau đi giữa những hàng cây trong khuôn viên làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Chúng tôi, những người con miền Nam, có người lần đầu về thăm quê Bác, được trở về cội nguồn sinh thành và giáo dưỡng nên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, ai ấy không khỏi bâng khuâng, xúc động.

Đoàn công tác của huyện Châu Đức thăm quê ngoại Bác ở làng Hoàng Trù (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Đoàn công tác của huyện Châu Đức thăm quê ngoại Bác ở làng Hoàng Trù (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Mới về quê Bác làng Sen

Mà sao như thấy thân quen lâu rồi

Vẫn hàng râm bụt xanh tươi

Mái nhà tranh cũ dưới trời nắng thu

Võng đưa vang vọng lời ru

Nhịp nhàng khung dệt thoi đưa năm nào

Cối xay, cối giã rì rào

Chắt chiu hạt gạo nuôi bao nhân tài

Bút lông, chồng sách, mực mài

Là nguồn trí tuệ tới đài vinh quang

Làng Sen mảnh đất Nam Đàn

Cho con gửi lại muôn vàn yêu thương.

Mỗi ca từ trong lời thơ của Trần Trọng Chu ngân vang qua lời hát bằng chất giọng xứ Nghệ ấm áp, mượt mà, tình cảm của nghệ sĩ trẻ Lê Thanh Phong - Trưởng đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản Dân ca xứ Nghệ mà chúng tôi nghe suốt dọc đường đi như nói lên cảm xúc của chính chúng tôi, những người con Bà Rịa - Vũng Tàu trở về với nguồn cội, quê hương Nam Đàn dấu yêu và linh thiêng. 

Ngôi nhà đơn sơ nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên được bảo tồn, gìn giữ ở xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Ngôi nhà đơn sơ nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên được bảo tồn, gìn giữ ở xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Đến thăm quê Người đúng vào dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm Người đi xa, chúng tôi càng bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Người. Người đã đi xa, nhưng Người đã để lại cho chúng ta một tài sản vô giá, tư tưởng của Người là Di bảo, là ngọn đuốc mãi soi sáng và dẫn đường cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. 

Trong tà áo dài màu cánh sen thướt tha, mềm mại, thuyết minh viên Lê Thu Hà, Khu di tích lịch sử Kim Liên vừa sóng bước cùng chúng tôi vừa trìu mến nói về Người, về những hiện vật gắn bó với Người từ thủa ấu thơ. Giọng nói trầm ấm như truyền thêm cảm xúc cho chúng tôi và đoàn khách đến từ nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước. Ai cũng lắng nghe như nuốt từng lời mà rưng rưng, có cụ già còn không kìm nén được, lấy tay với vạt áo quệt ngang nước mắt. Tôi cũng lặng lẽ giấu đi niềm xúc động dâng trào đến khó tả khi về thăm nơi sinh thành và lớn lên của Người - vị Cha già mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, nguyện một đời học tập và làm theo gương Bác, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. 

Khom người bước qua bậc cửa dưới mái tranh nhà Bác, ngắm khung cửi nơi mẹ Người, cụ Hoàng Thị Loan ngày ngày quay tơ, dệt vải, ngắm nhìn nghiên mực, án sách, đi xuyên xuống bếp vẫn còn tro ấm và những vật dụng sinh hoạt của một gia đình giản dị xứ Nghệ… khiến chúng tôi cảm nhận được không gian đầm ấm của gia đình nho học thanh liêm đã sinh thành và nuôi dưỡng một vĩ nhân cho dân tộc. 

Trong không gian làng Sen tĩnh lặng, hương sen thoang thoảng, lời của thuyết minh viên dẫn dắt chúng tôi dạo quanh nhà Bác, ghé qua cả hàng xóm Bác. Một không gian làng quê thanh bình với lối nhỏ, bờ tre, hàng dâm bụt, hoa cau, hoa bưởi... thơm nồng, nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung - mà sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nuôi dưỡng trong tình làng, nghĩa xóm, trong câu dân ca, ví dặm của làng Sen, làng Hoàng Trù, trong những cuộc đàm đạo của các sĩ phu yêu nước về giải phóng dân tộc. 

Thuyết minh viên còn kể cho chúng tôi nghe lần về thăm quê của Bác vào ngày 16/6/1957. Đận ấy, Bác đã đi nhanh về hướng nhà mình và bần thần dừng lại hồi lâu ở cổng. Người đứng trước ban thờ gia tiên rồi nói với mọi người mà như nói với chính mình: “Hồi xưa nhà Bác nghèo. Bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân mà chỉ dùng hai thanh gỗ đóng gá vào hai bên cột để đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa…”. Sau câu chuyện ấy, giọng thuyết minh viên Lê Thu Hà nhấn lên cao đôi chút: “Và đây chính là nơi hình thành lòng yêu nước thương dân của Bác”, rồi thuyết minh viên kể tiếp cho chúng tôi nghe, ngày 9/12/1961, Người về thăm quê lần thứ 2 và cũng là lần cuối cùng quê hương Nam Đàn được đón Người với tất cả tình yêu thương trân quý. Đón người con trở về sau những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, với ước mong đem lại cơm no, áo ấm, độc lập, tự do cho dân tộc mình. 

Kim Liên, Nam Đàn hôm nay đã là một vùng quê trù phú vào bậc nhất của tỉnh Nghệ An, là điển hình xây dựng nông thôn mới. Xe đưa chúng tôi xa dần mảnh đất thân thương ấy, nhưng tất cả những cảm xúc vẫn còn vẹn nguyên; tiếp thêm nhiệt huyết cho chúng tôi, là cán bộ, đảng viên càng phải học tập, noi gương Người trong mỗi việc làm dù là nhỏ nhất của mình đều phải vì nhân dân phục vụ...

NGUYỄN TẤN BẢN

.
.
.