.
KỶ NIỆM 74 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9 (1945-2019)

Nghệ thuật chớp thời cơ cách mạng

Cập nhật: 18:58, 18/08/2019 (GMT+7)

Thành công của Tổng khởi nghĩa năm 1945 là minh chứng hùng hồn về vai trò của Đảng trong vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin vào hoàn cảnh cụ thể nước ta. Một trong những điển hình, sáng chói nhất, đó là: Đảng chủ động tạo thời cơ, nhận định đúng thời cơ và nâng lên tầm cao nghệ thuật chớp thời cơ trong đấu tranh giành chính quyền.

Suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khái quát ở tầm cao suy nghĩ về thời cơ đặc sắc, độc đáo: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí/Gặp thời một tốt cũng thành công”. Người luôn căn dặn: “Làm cách mệnh phải biết dựa vào thời cơ và phải nhìn chung phong trào mọi nơi, mọi chốn mới chắc thắng”.

Ngày 19/8/1945 hàng vạn nhân dân Hà Nội đã xuống đường biểu tình, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Ảnh: TƯ LIỆU
Ngày 19/8/1945 hàng vạn nhân dân Hà Nội đã xuống đường biểu tình, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Ảnh: TƯ LIỆU

CHỦ ĐỘNG THÚC ĐẨY TẠO THỜI CƠ  

Cách mạng Tháng Tám thành công nhanh chóng, đến mức làm cho cả thế giới phải kinh ngạc và sững sờ. Để có thời cơ Cách mạng Tháng Tám, Đảng và nhân dân ta phải trải qua quá trình lâu dài đến 15 năm, chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các điều kiện nhằm thúc đẩy xuất hiện thời cơ. Sứ mệnh lịch sử của Đảng trước dân tộc là đề ra đường lối và Đảng đã chủ trương xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất nhằm thu hút các tầng lớp nhân dân, tạo ra đội quân chính trị rộng lớn. Song song đó, Đảng tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang tập trung và lực lượng bán vũ trang của quần chúng; xây dựng căn cứ địa, nơi đóng quân của lực lượng cách mạng; thành lập Ủy ban khởi nghĩa Trung ương - cơ quan đầu não lãnh đạo Tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến. Tiếp đó, Đảng lãnh đạo hàng chục triệu nhân dân đứng dậy đấu tranh thông qua 3 cuộc tập duyệt lớn: Cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh; Cuộc vận động dân chủ 1936-1939 và Cao trào phản đế 1939-1945.  

Sự chủ động đấu tranh tấn công vào sào huyệt của đế quốc, thực dân, phong kiến làm cho cán cân so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho cách mạng. Việc tích cực chuẩn bị những điều kiện, chủ động tiến hành đấu tranh cách mạng tạo ra “thế” và “lực” mới từ đó xuất hiện thời cơ mới để cách mạng bùng nổ. Thực tế sinh động của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám chứng minh chân lý: “Cách mạng không tự nó đến, phải chuẩn bị nó, giành lấy nó”, chứ không phải “há miệng chờ sung, nhanh chân nhanh tay hứng trái chín đang rụng” như một số kẻ rêu rao!

NHẠY BÉN CHỚP THỜI CƠ 

Tư duy nhạy bén, tầm vóc chiến lược của Đảng và Bác Hồ trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là: Bám sát diễn biến tình hình trong nước và thế giới; sớm nhìn thấy quy luật vận động của cách mạng; đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa ta với địch trong từng thời điểm; đưa ra dự báo chính xác thời cơ và nhanh chóng triển khai thực hiện để thúc đẩy tiến trình cách mạng đi lên.

Khi chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra, Đảng nhận định, sự kiện đó sẽ xuất hiện thời cơ có lợi: “Nếu cuộc chiến tranh đế quốc lần trước đẻ ra Liên Xô, một nước XHCN thì cuộc chiến tranh đế quốc lần này sẽ đẻ ra nhiều nước XHCN, do đó cách mạng nhiều nước thành công”. Tháng 10/1944, khi chiến tranh thế giới lần thứ II bắt đầu đi đến hồi kết, Bác Hồ nhận định: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh”. Tối 9/3/1945, Nhật nổ súng đảo chính Pháp, cũng đêm hôm đó Ban Thường vụ Trung ương họp phiên mở rộng, đưa ra nhận định: “Những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi” và ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.  

Ban Thường vụ Trung ương dự báo 2 thời cơ có thể tạo ra cơ hội vàng để nhân dân ta đứng dậy giành chính quyền. Một là: Quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương để đánh Nhật và hai là: Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh và sau này như chúng ta biết, lịch sử rơi đúng vào dự báo thứ hai của Đảng: Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Tháng 7/1945, phát xít Đức, Ý bại trận trên chiến trường châu Âu. Ở châu Á, phát xít Nhật đang trên đường sụp đổ. Trong những ngày sôi động của Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ lâm bệnh nặng, nhưng Người vẫn theo dõi sát tình hình và nhận thấy: “Đây là một thời cơ quý và hiếm, nếu bỏ qua thì không bao giờ có nữa”. Người Chỉ thị: “Lúc này, thời cơ đã đến, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!”. Và khi Nhật đầu hàng quân Đồng minh, vào ngày 13/8/1945, Đảng khẳng định: Thời cơ cách mạng đã xuất hiện, đây là cơ hội “ngàn năm có một” phải chớp lấy: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta!”.

Vấn đề chớp thời cơ đòi hỏi sự nhạy cảm chính trị dựa trên cơ sở khoa học. Cách mạng Tháng Tám thời cơ chỉ tồn tại trong khoảng thời gian từ khi Nhật đầu hàng quân Đồng minh đến khi quân Đồng minh vào nước ta giải giáp quân Nhật. Đó là lúc sức mạnh của cách mạng ở mức cao nhất, còn sức lực của kẻ thù ở mức thấp nhất. Chọn đúng thời cơ, Tổng khởi nghĩa “nổ ra đúng thời điểm” đó vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật của Đảng. Nhờ đó, sức mạnh của dân tộc được nhân lên gấp bội, làm cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh, gọn, ít đổ máu nhất. 

Ngày nay, thế và lực của đất nước đã khác, bối cảnh thế giới cũng có nhiều biến đổi lớn lao. Nhưng bài học dự báo chính xác thời cơ, nghệ thuật chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám vẫn đồng hành cùng dân tộc theo năm tháng. Đứng trước những vận hội mới cùng những khó khăn, thách thức mới, tinh thần Cách mạng Tháng Tám giúp chúng ta chủ động tạo ra cơ hội, triệt để tận dụng cơ hội, dù nhỏ nhất, mưu trí vượt qua những rào cản trong thời kỳ hội nhập và sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để tiếp tục tự tin vững bước trên con đường đổi mới làm cho “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

NGUYỄN QUANG PHI

 
.
.
.