Khuyến khích những trào lưu tốt
Cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội, các trào lưu (hot trend) dễ dàng được lan truyền, chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Các trào lưu này đã tác động không nhỏ đến lối sống, phong cách và gu thẩm mỹ của giới trẻ, đòi hỏi phải có sự định hướng để giới trẻ tránh xa những trào lưu vô bổ.
ĐVTN xã An Ngãi, huyện Long Điền hưởng ứng trào lưu “Thử thách dọn rác”. |
NHỮNG LỜI THÁCH THỨC DỄ THƯƠNG
“Hưởng ứng lời thách thức mỗi ngày một cuốn sách trong thời gian 7 ngày, hôm nay là ngày thứ ba, mình sẽ đọc cuốn Đừng bao giờ đi ăn một mình”… Đó là dòng trạng thái được chị Nguyễn Thị Mai (phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) đăng trên facebook. Nhiều bạn trẻ khác cũng tham gia thách thức này. Không chỉ đọc, họ còn chia sẻ những câu nói hay, những cảm nhận về cuốn sách mà mình đã đọc. Trào lưu này đang lan tỏa và được nhiều ĐVTN, cán bộ công chức của tỉnh hưởng ứng.
“Thách thức mỗi ngày một cuốn sách” là một trào lưu mang hiệu ứng tích cực, xuất phát từ mạng xã hội đã bước ra cuộc đời thực. Trước đó, một trào lưu khác trên mạng xã hội với tên gọi “Thử thách dọn rác” cũng trở thành trào lưu tích cực và bước ra đời thực. Trào lưu này bắt nguồn từ 2 bức ảnh trước và sau khi dọn hết đống rác ngổn ngang do thanh niên người Mỹ Byron Róman (Arizona) đăng tải trên facebook cá nhân tháng 3/2019, đã nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng mạng, trong đó có các bạn trẻ Việt Nam. Tại BR-VT, nhiều nhóm bạn trẻ đã cùng nhau dọn sạch những bãi rác nơi công cộng. Hình ảnh được tải lên các trang mạng xã hội với chú thích “Before-after” (Trước và sau) tại cùng một địa điểm đầy rác và sau đó được dọn sạch sẽ đã tạo thiện cảm với cộng đồng.
Anh La Minh Hoàng, ĐVTN xã An Ngãi, huyện Long Điền cho biết, anh và các bạn trẻ khác đã dành một buổi sáng để dọn sạch rác trên một số tuyến đường trong xã. “Nhìn bức hình trước và sau khi những đống rác được dọn sạch, ĐVTN ai cũng vui vì đã làm được việc có ích. Tuy nhiên, chúng tôi xác định việc cùng làm sạch các tuyến đường trong xã là hành động thường xuyên của thanh niên chứ không phải là một trào lưu chỉ xuất hiện rồi bị lãng quên”, anh Hoàng nói.
Trào lưu “Thử thách dọn rác” cũng được giới trẻ hưởng ứng, thực hiện ở nhiều địa điểm khác như: bãi biển Long Hải (huyện Long Điền); đường Viba, mũi Nghinh Phong, đồi Con Heo (TP. Vũng Tàu)… và được nhiều người khen ngợi.
TRÁNH XA NHỮNG TRÀO LƯU VÔ BỔ
Bên cạnh những trào lưu tốt, mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều trào lưu vô bổ, thậm chí gây tranh cãi vì mức độ nhảm nhí và phản tác dụng của nó.
Giới trẻ từng theo đuổi trào lưu “Falling Stars” (chụp hình tạo dáng “ngã sấp mặt” trên những món đồ xa xỉ) như siêu xe, tiền, trang sức, mỹ phẩm cao cấp, túi xách hàng hiệu… rồi tung lên mạng. Tại Việt Nam, nhiều bạn trẻ cũng thể hiện “ngã sấp mặt” mọi lúc, mọi nơi mà không để ý đến sự hớ hênh của chính mình. Hoặc trào lưu “check-in” giới thiệu điểm đến. Sẽ không có gì đáng nói nếu như không xuất hiện những bức hình các bạn trẻ trong trang phục hở hang, lố lăng khi tạo dáng “check-in” tại những nơi mang tính văn hóa, tâm linh. Những hình ảnh phản cảm này cũng nhận được nhiều bình luận (thích hoặc phẫn nộ) và được chia sẻ rất nhanh trên các trang mạng.
Trước đó, nhiều trào lưu vô bổ khác cũng được giới trẻ vô tư tiếp cận, chia sẻ rộng rãi mà không cần suy nghĩ xem nó có bổ ích hoặc nguy hiểm hay không. Chẳng hạn, trào lưu “tạo sự kiện nhảm nhí trên facebook” bằng hành động cầm chảo chạy quanh hồ Hoàn Kiếm; bắt gián bỏ lên mặt; thử thách ăn viên nước giặt; đổ đá lên đầu; hôn trộm người không quen biết nơi công cộng; trèo lên tầng cao chụp ảnh tự sướng (selfie)…
Sở dĩ các trào lưu trên mạng xã hội thu hút được giới trẻ là vì không gian không biên giới của thế giới mạng. Ở đó, họ được thoải mái chia sẻ những khoảnh khắc, quan điểm mà không bị kiểm duyệt, ngăn cấm. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ chạy theo trào lưu vì tâm lý đám đông mà không suy nghĩ đến hậu quả xấu các trào lưu ấy có thể mang lại. Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Thị Lan Phương cho rằng: “Tuổi trẻ, đặc biệt ở giai đoạn vị thành niên, dậy thì đang có sự thay đổi về tâm sinh lý mạnh mẽ nên dễ rơi vào trạng thái cô đơn do không thể chia sẻ với người thân. Vì vậy, họ tìm đến thế giới mạng và những sự kiện, trào lưu trên thế giới ảo. Tâm lý thích khẳng định mình nhưng lại thiếu kinh nghiệm và kỹ năng sống nên nếu không nhận được sự quan tâm, họ sẽ bị dẫn dụ hoặc tự tìm đến các trào lưu tiêu cực trên mạng xã hội để được chú ý nhiều hơn”.
Anh Lê Văn Minh, Bí thư Tỉnh Đoàn phân tích, việc một bộ phận giới trẻ hùa theo những trào lưu nhảm, phản cảm, nguy hiểm cho thấy tâm lý bắt chước đám đông, chỉ cần lạ và thu hút được nhiều người thích, xem mà không tính đến hậu quả. Các trào lưu này tuy chỉ xuất hiện một thời gian rồi tự mất đi, nhưng không thể xem nhẹ bởi hậu quả và những tác động tiêu cực của chúng. “Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền đến các ĐVTN, giới trẻ, HSSV tránh xa những trào lưu không tốt, các cơ sở Đoàn cũng sử dụng mạng xã hội để lan truyền những trào lưu tích cực, như: Nói không với túi ni lông, sản phẩm nhựa một lần; thử thách dọn rác, thử thách đọc sách… Qua đó, những trào lưu này trở thành hoạt động thiết thực, thường xuyên và thu hút giới trẻ tham gia nhiều hơn”, anh Lê Văn Minh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: MINH THANH