Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn (CĐ) Việt Nam để thực sự là tổ chức của người lao động (NLĐ) khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đó là một trong những giải pháp được ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam đưa ra tại hội nghị tuyên truyền về Hiệp định CPTPP; những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 do Liên LĐLĐ tỉnh tổ chức vào chiều 14/8.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Hội nghị có sự tham gia của 200 đại biểu đại diện các CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐ cơ sở các DN trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu đã trình bày các chuyên đề: Những vấn đề liên quan đến lao động và tổ chức CĐ Việt Nam và những giải pháp đổi mới hoạt động CĐ trong thời gian tới; Tổng quan các nội dung của Hiệp định CPTPP; Cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lao động Việt Nam. Ông Ngọ Duy Hiểu thông tin: Hiệp định CPTPP gồm 11 nước, chính thức có hiệu lực với Việt Nam ngày 14/1/2019. Hiệp định là cơ hội giúp NLĐ tiếp thu tốt hơn những đổi mới của khoa học, công nghệ, có thêm nhiều lựa chọn nghề nghiệp, việc làm, đồng nghĩa với việc có cơ hội nâng cao thu nhập chính đáng. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, quan hệ lao động phức tạp, NLĐ cần được tổ chức CĐ quan tâm nhiều hơn đến đời sống, việc làm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
Nhưng CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức: Sự cạnh tranh giữa các ngành, lĩnh vực các DN trong và ngoài nước; nguy cơ tăng khoảng cách thu nhập trong công nhân lao động; số lượng đoàn viên và CĐCS có nguy cơ tăng chậm so với giai đoạn trước; nhiều DN gặp khó khăn trong việc thành lập CĐCS. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển của máy móc, robot khiến nhiều NLĐ mất việc… Vì vậy, vấn đề đặt ra là, để CĐ Việt Nam hoạt động tốt trong thời gian tới, cần tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của CĐ để tập hợp NLĐ về tổ chức mình; nâng cao đội ngũ cán bộ CĐ để vận động, thuyết phục, tư vấn, đối thoại và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ.
Tin, ảnh: THI PHONG