.
KỶ NIỆM 72 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2019)

Không ngừng nâng cao đời sống gia đình người có công

Cập nhật: 20:08, 26/07/2019 (GMT+7)

Những năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, hiệu quả nhằm tri ân, chăm lo đời sống người có công với cách mạng, từng bước hoàn thành mục tiêu nâng cao đời sống người có công trên địa bàn. 

Đoàn bác sĩ Công ty TNHH International SOS Việt Nam khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách, phường 12, TP. Vũng Tàu.
Đoàn bác sĩ Công ty TNHH International SOS Việt Nam khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách, phường 12, TP. Vũng Tàu.

Đúng dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, gia đình bà Nguyễn Thị Hạp (89 tuổi, ấp Mỹ An, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) dọn về ngôi nhà mới được xây dựng từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh và sự hỗ trợ của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh. Bà Hạp cho biết, ngôi nhà cũ của gia đình xây dựng từ năm 1978. Tuy đã được địa phương hỗ trợ sửa chữa nhưng theo thời gian, ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng. Sau khi khảo sát, tháng 3/2019, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh đã tặng gia đình 100 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà mới. 

Là người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, ngoài chế độ chính sách theo quy định, hàng tháng bà Hạp còn được theo dõi, chăm sóc sức khỏe. Bà Hạp chia sẻ: “Vào dịp lễ, Tết và Ngày Thương binh liệt sĩ, năm nào các cơ quan, đoàn thể cũng tới thăm, hỏi han tình hình sức khỏe, tặng quà và động viên. Tui rất mừng vì được Đảng, Nhà nước, chính quyền quan tâm”.

Cùng chung niềm vui, bà Lê Thị Ốm (52 tuổi, tổ 8, ấp Bắc 2, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) - là con liệt sĩ Lê Văn Khuya, cũng đã được xây tặng căn nhà tình nghĩa với chi phí 100 triệu đồng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh. “Sự quan tâm, tình cảm của địa phương và các ngành là động lực để tui tiếp tục cố gắng vươn lên làm ăn, ổn định để cuộc sống mỗi ngày tốt hơn”, bà Ốm xúc động nói.

Đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đã cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà ở cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ vốn vay cho các gia đình chính sách phát triển kinh tế. Nhờ đó, hàng ngàn gia đình đã có cơ hội vượt qua khó khăn. Điển hình như gia đình bệnh binh Phạm Thị Lan (khu phố Hiệp Hòa, TT. Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ). Bà Lan cho biết, năm 2017, gia đình bà được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi 100 triệu đồng để mở tổ hợp may gia công quần, áo. Hiện nay, tổ hợp may đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động tại địa phương và kinh tế gia đình bà đã khấm khá hơn với nguồn thu nhập ổn định. 

Theo thống kê của Sở LĐTBXH, Bà Rịa-Vũng Tàu hiện quản lý 39.925 hồ sơ người có công và thân nhân, trong số đó có 7.542 người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Từ năm 1996 đến nay, tỉnh đã xây dựng mới 1.581 nhà tình nghĩa và sửa chữa 5.272 căn với tổng kinh phí hơn 85 tỷ đồng; miễn giảm tiền sử dụng đất cho 1.569 người có công với số tiền hơn 202 tỷ đồng...

Trong những năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách mà Trung ương chưa có quy định đối với người có công. Điển hình như các chương trình lồng ghép vay vốn; hỗ trợ giải quyết việc làm; hỗ trợ 100% kinh phí học nghề cho con thương binh, liệt sĩ, bộ đội xuất ngũ; miễn, giảm tiền sử dụng đất; tặng số tiết kiệm; cấp thẻ BHYT... cho người có công và thân nhân. Hiện nay, 39 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đoàn thể, DN trong tỉnh nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời với mức thấp nhất từ 1 triệu đồng/tháng/Mẹ. Đối với Mẹ có con trai độc nhất hy sinh và không còn người thân chăm sóc, tỉnh còn hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng thuê người nuôi dưỡng, chăm sóc. Hàng năm, ngân sách tỉnh bố trí hơn 200 tỷ đồng để chăm lo cho người có công… 

Với sự chung tay của hệ thống chính trị và cộng đồng, cùng với ý thức tự vươn lên, đời sống vật chất, tinh thần của người có công trên địa bàn tỉnh dần được nâng lên. Hiện nay, 99,77% gia đình người có công đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân cư nơi cư trú. 

Bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết: “Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc đời sống người có công đã trở thành việc làm thường xuyên, có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự tri ân đối với những người đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Không dừng lại ở đó, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần các thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công nhằm từng bước hoàn thành mục tiêu nâng cao đời sống người có công trên địa bàn”.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN 

.
.
.