Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc
Sáng 11/7 (giờ địa phương), tại thủ đô Bắc Kinh, nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc; gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Trung Quốc.
Nhấn mạnh vai trò của ngoại giao nghị viện trong công tác đối ngoại, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tích cực thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân đại toàn quốc Trung Quốc; giữa HĐND và Nhân đại các địa phương hai nước.
Nói chuyện với đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, việc thành lập các hội đoàn người Việt Nam tại Trung Quốc là điều kiện tốt để bà con gặp gỡ, trao đổi, giao lưu… Chủ tịch Quốc hội khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó đồng bào ở Trung Quốc. Chủ tịch Quốc hội mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, chấp hành nghiêm pháp luật nước sở tại và luôn hướng về quê hương, đất nước; các lưu học sinh Việt Nam cố gắng học tập, tiếp thu kiến thức để đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
● Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn viễn thông Trung Hưng (ZTE) Lý Tự Học và lãnh đạo tập đoàn công nghệ Datatang Trương Tử Tân.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định thị trường thông tin viễn thông Việt Nam rất tiềm năng, nơi mà mọi người dân đều có điều kiện tiếp cận các thiết bị điện tử thông minh. Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong xu thế chung, Việt Nam và các nước cùng quan tâm tới công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, thu thập dữ liệu lớn giúp nâng cao năng lực quản trị. Việt Nam đang xây dựng Quốc hội điện tử, Chính phủ điện tử. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các lĩnh công nghệ số. Các DN cần tăng cường khảo sát thị trường và DN Việt Nam, qua đó nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư. Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý, với tính tương thích ngày càng cao với luật pháp quốc tế trong quá trình hội nhập mạnh mẽ và sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, giúp các DN, nhà đầu tư yên tâm hoạt động theo đúng khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
HOA TUẤN