Để không hỏng việc phải chữa "bệnh quan liêu"
“Quan liêu xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân…”. Đó là một trong những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ và cần phải có giải pháp để “chữa lành”.
Trong thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tới những lầm lỗi của một số cán bộ như: làm việc trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túi, chia rẽ, kiêu ngạo. Bác lên án một bộ phận cán bộ coi khinh nhân dân, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến uy tín của Đảng, Chính phủ.
Trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân số 23 ngày 2/9/1951 Bác Hồ chỉ rõ nguyên nhân bệnh quan liêu là: Xa nhân dân, do đó không hiểu tâm lí, nguyện vọng của nhân dân. Khinh nhân dân, cho là nhân dân bảo sao làm vậy, không hiểu được lí luận chính trị cao xa như mình. Khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa… Bệnh quan liêu, mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là: Hỏng việc. Vì vậy chúng ta phải mau mau chữa bệnh nguy hiểm ấy.
Bằng phong cách nhẹ nhàng, tế nhị, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ tháng 9/1963, nhân dịp Quốc khánh, Bác đem đến một hộp bút và nói “Hôm nay tôi xin tặng các vị, các chú mỗi người một cây bút để làm việc”. Bác đưa tận tay từng bộ trưởng, từng ủy viên. Mọi người nhìn lên nắp bút thấy dòng chữ Bác đã khắc “Bút chống quan liêu. 2/9/1963”.
Vâng, “Bút chống quan liêu”! Và trước đó, từ năm 1951, Bác còn chỉ rõ cách chữa “căn bệnh” ấy là: Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm phải thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình phải gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính, để nhân dân noi theo.
Trên thực tế, bệnh quan liêu có thể xuất hiện ở bất kỳ cấp nào và bất kỳ cán bộ, đảng viên nào. Ngay cả những đảng viên, cán bộ ở cơ sở, tuy sống, ăn, ở cùng nhân dân, nếu mắc bệnh quan liêu cũng không nắm được tình hình cụ thể của địa phương mình. Đây là căn bệnh “trầm kha”, khó chữa nhất và sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng đối với không chỉ người dân mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Bởi, căn bệnh quan liêu để lại hậu quả nặng nề, khi cán bộ đã mắc bệnh quan liêu không những thiếu kiểm tra kỹ lưỡng, chỉ đạo đại khái qua loa, chung chung, mà còn thiếu dân chủ, sợ phê bình, không giữ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí, tham nhũng và những vi phạm khác có khi để lại hậu quả nghiêm trọng.
Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng đã cận kề, chống bệnh quan liêu vì thế cần được đẩy mạnh và không thể nói suông hay chung chung mà phải cụ thể bằng những hành động ở các cấp, các ngành, ở các chi, đảng bộ, từ cơ sở đến Trung ương. Chúng ta cần phải nghiêm túc thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đấu tranh chống lại việc lợi dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích riêng cho bản thân, cho gia đình. Cán bộ cấp cao, người đứng đầu các ngành, địa phương phải luôn rèn luyện, nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tích cực tự phê bình và phê bình. Vấn đề đặt ra hiện nay là tuyển chọn được những người tâm huyết, trung thành với Đảng, không vụ lợi, loại bỏ những người kém đức, kém tài ra khỏi bộ máy Đảng, Nhà nước; ngăn chặn bè cánh, lợi ích nhóm, phá hoại kỷ cương, kỷ luật, vô hiệu hóa pháp luật, chính sách và những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Song song đó, triển khai có hiệu quả việc tiếp tục thực hiện trọng tâm của công tác xây dựng Đảng là: “Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị”. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai nghiêm túc về việc tổ chức cho cấp trưởng và cấp phó các ngành, địa phương thuộc sự quản lý của Ban Thường vụ ký cam kết nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc thực hiện cam kết cũng nhằm khắc phục tình trạng không theo dõi, nắm chắc tình hình, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân; không quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Các cấp ủy Đảng cần tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Thanh tra, kiểm tra cần được diễn ra trên mọi cấp độ, trên mọi lĩnh vực và phải được thực hiện thường xuyên, khi cần kiểm tra đột xuất không báo trước. Trong trường hợp phát hiện, cần xử lý nghiêm minh các trường hợp vì quan liêu, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. “Phòng” luôn có giá trị hơn “chống” và để “phòng” có hiệu quả cần phát huy dân chủ ở mọi cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời, lấy dân làm “tai mắt” để đánh giá, tín nhiệm cán bộ cũng là một “kênh” hiệu quả. Dân mà không tín nhiệm thì phải xem lại cán bộ có trách nhiệm, có đủ đức và tài hay chưa.
LINH TRẦN