Xử phạt lái xe uống rượu, bia theo luật hiện hành
Ngày 4-6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về 2 nhóm vấn đề: Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng.
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm bắt đầu phiên chất vấn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; hoạt động “tín dụng đen”, băng nhóm theo kiểu “xã hội đen”... và đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm an toàn giao thông (ATGT); nhất là các trường hợp tham gia giao thông sử dụng rượu, bia vượt quá mức quy định, sử dụng ma túy hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng.
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. |
PHẠT LÁI XE UỐNG RƯỢU, BIA THEO LUẬT HIỆN HÀNH
Tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề việc sử dụng chất kích thích rượu, bia, ma túy của các tài xế gây ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng và chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về giải pháp để đấu tranh phòng ngừa, răn đe.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói: “Chúng ta điều chỉnh vấn đề về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) mới trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ. Với phạm vi của luật và một số văn bản dưới luật thì quản lý, bảo đảm TTATGT cũng chưa đáp ứng yêu cầu”. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đang kiến nghị với Quốc hội để hình thành, xây dựng luật đảm bảo TTATGT với nhiều chế tài. Tuy nhiên, Bộ Công an đang gặp khó khăn. Bộ trưởng đưa ra ví dụ những biện pháp để đo nồng độ cồn có thể sẽ không được thực hiện nữa sau khi lấy ý kiến Quốc hội ngày 3-6.
Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng việc Bộ trưởng trả lời vì không đưa vào Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia quy định liên quan tới hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là bỏ, không kiểm tra nồng độ cồn thì sẽ gây ra hệ lụy lớn.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao đổi thêm về việc ngày 3-6 Quốc hội có xin ý kiến về vấn đề xử phạt lái xe sử dụng rượu, bia. Chủ tịch Quốc hội khẳng định không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu, bia gây TNGT mà bởi luật hiện hành đã có quy định. Tuy nhiên, do quá bức xúc trước tình trạng người sử dụng rượu, bia lái xe gây TNGT, trong thảo luận có nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng chế tài, không cần đo nồng độ cồn mà cứ uống rượu, bia là không được lái xe, lái xe là vi phạm. Phương án khác là giữ nguyên như hiện nay nhưng sau khi đại biểu cho ý kiến thì không phương án nào quá 50% ý kiến tán thành. “Việc tăng thêm hay giữ như hiện nay đều không được biểu quyết nên ta sẽ thực hiện xử phạt theo luật hiện hành” - Chủ tịch Quốc hội cho biết, đồng thời nhấn mạnh việc thông tin lại như vậy để mọi người không hiểu lầm rằng pháp luật không có xử phạt lái xe uống rượu, bia.
LOẠI BỎ CÔNG AN
“BẢO KÊ” TỘI PHẠM
Một số đại biểu Quốc hội bày tỏ suy nghĩ về biểu hiện một số cán bộ, công chức, công an có biểu hiện móc nối với các đối tượng cộm cán ngoài xã hội, có hành vi “bảo kê” tội phạm.
Bộ trưởng Bộ Công an bày tỏ sự kiên quyết: Bộ Công an tiếp tục xử lý nghiêm những trường hợp bảo kê, từ xử phạt hành chính đến xử lý hình sự. Nếu cộng tác với tội phạm vi phạm pháp luật thì nhất định phải bị xử lý. Vừa qua, Bộ Công an đã xử lý rất nghiêm và không có vùng cấm, bất kể cấp nào. Đây là sự kiên quyết, quyết liệt của lực lượng công an, để khôi phục lòng tin của cán bộ, nhân dân đối với lực lượng.
Tuy nhiên người đứng đầu ngành công an cũng cho rằng: “Cần phải bảo vệ cán bộ trong trường hợp bị vu khống, xuyên tạc”.
•Chiều 4-6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có 39 đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Các nội dung chất vấn tập trung vào các vấn đề: Giải pháp xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo; trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp xử lý vi phạm quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng; xử lý dứt điểm vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực; trách nhiệm và giải pháp quản lý quỹ đất sau khi di dời doanh nghiệp, cơ quan ra khỏi nội đô Hà Nội; trách nhiệm của các bộ ngành và Bộ Xây dựng trong việc tham mưu quản lý căn hộ, biệt thự du lịch; vì sao chậm sửa đổi, bổ sung bộ quy chuẩn xây dựng; giải pháp phát triển ổn định, bền vững thị trường bất động sản; giải pháp đột phá để tăng nguồn cung nhà ở xã hội; giải pháp cải tạo chung cư cũ ở các thành phố lớn; quy hoạch, khai thác các khu du lịch tâm linh; chất lượng xây dựng công trình;...
Sáng 5-6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng sẽ tham gia giải trình làm rõ những nội dung thuộc lĩnh vực xây dựng. Theo chương trình, phần chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai sẽ tiếp tục đến 8 giờ 50 phút.
XUÂN TÙNG - MINH PHƯƠNG