.
KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XIV:

Thảo luận việc phân bổ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn

Cập nhật: 18:50, 03/06/2019 (GMT+7)

 

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn BR-VT) phát biểu tại phiên họp ngày 3-6. Ảnh: VŨ QUỐC KHÁNH
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn BR-VT) phát biểu tại phiên họp ngày 3-6. Ảnh: VŨ QUỐC KHÁNH

Sáng 3-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Cho ý kiến về việc sử dụng nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đề cập đến việc bố trí vốn các dự án khởi công mới, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, sau khi rà soát, Chính phủ đã điều chỉnh giảm nhiều nhưng vẫn còn 131 dự án với số tiền lên tới 46.548 tỷ đồng. Trong đó, phụ lục 3, 4 có một số dự án khởi công mới thì được bố trí lên tới 1.000 tỷ đồng.

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đề nghị, cần rà soát lại số tiền và mục tiêu của từng dự án để bảo đảm sát với thực tế và bảo đảm đúng thứ tự ưu tiên. Theo đó, bên cạnh những dự án văn hóa, lịch sử có ý nghĩa lớn, quốc gia và những dự án phục vụ cải cách tư pháp, cần rà soát lại một số dự án xây dựng trụ sở mới, xây dựng hạ tầng, kỹ thuật, khu du lịch, tâm linh ở một số địa phương xem có thật sự cần thiết và cấp bách không.

Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, liệu Chính phủ có bảo đảm giải ngân hết số vốn nếu được giao trong giai đoạn 2016 - 2020 trong khi quá trình chuẩn bị đầu tư mất hàng năm và thời gian thực hiện kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 chỉ còn một năm rưỡi? Liệu có tình trạng mặc dù biết là chưa khả thi nhưng nhiều địa phương vẫn đưa vào danh mục để giữ chỗ chuẩn bị cho giai đoạn sau hay không? Để giải đáp được những băn khoăn này, Chính phủ cần tính toán thật kỹ, bố trí số vốn phù hợp cho các dự án khởi công mới đủ giải ngân hết giai đoạn 2016 - 2020 và đặc biệt là thanh toán dứt điểm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản, đại biểu đề nghị.

Cho rằng trong điều kiện nguồn lực của đất nước có hạn, việc huy động sử dụng kịp thời đúng tiến độ và hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước là rất quan trọng, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) nêu rõ Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã thực hiện được 3,5 năm, thời gian còn lại chỉ còn 1,5 năm nhưng đến bây giờ Quốc hội mới thảo luận và cho ý kiến phân bổ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là hơi muộn.

“Sau khi Quốc hội thảo luận và quyết định phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, thông báo phương án phân bổ và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án bao gồm các dự án đã có trong kế hoạch cũng như các dự án mới được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn”, đại biểu Phùng Văn Hùng nêu.

Việc thực hiện các thủ tục cần thiết phải mất từ 6 tháng đến 1 năm, thời gian còn lại để thực hiện không nhiều, đại biểu Phùng Văn Hùng khẳng định không thể bỏ qua quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật nhưng “nếu vì cách làm mà không thể sử dụng được hết nguồn lực thuộc kế hoạch 2016 - 2020 thật đáng tiếc”. Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục tình trạng này.

Dẫn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách và bản các Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, các báo cáo này đều ghi nhận mức vốn trung hạn giao cho các bộ, ngành, địa phương cao hơn so với cân đối ngân sách hàng năm có thể thu xếp được. Nếu sử dụng vốn dự phòng chung sẽ thiếu khoảng 155.000 tỷ đồng. Chúng ta đang ở kỳ thứ tư của kế hoạch 4 năm 2016, 2017, 2018, 2019 đã chia xong, chỉ còn lại tiền của năm 2020 dự kiến phấn đấu cao cũng chỉ được 217.000 tỷ đồng. Nếu quyết tâm thực hiện thì hệ quả là đầu tư dàn trải, tạo cơ chế xin - cho là “điều chắc chắn” khi quá khả năng thu xếp tiền.

Nhấn mạnh, nói đến tiền chi ngân sách không thể nói là khoảng, mà phải cụ thể, đại biểu Hoàng Quang Hàm nhận định, hầu hết các dự án mới chưa đủ điều kiện để đưa vào kế hoạch, nhiều dự án chưa đáp ứng nguyên tắc tiêu chí thứ tự ưu tiên theo Nghị quyết 26, Nghị quyết 71 của Quốc hội. Thẩm tra các tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã nhiều lần đề nghị chuẩn bị thêm, chưa sử dụng dự phòng do chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết 71… Cho rằng, chỉ còn 1,5 năm là hết thời gian thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, để công khai minh bạch thì Chính phủ nên công khai cho mỗi ngành, địa phương biết mình được dự kiến bao nhiêu và thiếu bao nhiêu tiền so với cam kết trung hạn trước khi làm dự toán năm 2020, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị.

Giải trình thêm các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh mục tiêu chung của tất cả các đại biểu và Quốc hội đều mong muốn kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội phê duyệt được thực hiện, thực thi một cách hiệu quả và đạt được các yêu cầu của đầu tư công trong giai đoạn này để đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu phát triển của đất nước. Bộ trưởng nhấn mạnh việc phân bổ dự phòng chung ở thời điểm hiện nay là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý về vốn để các bộ, ngành, địa phương thực hiện các thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cũng như phê duyệt, quyết định các chủ trương đầu tư dự án mới hoặc điều chỉnh các dự án đã có trong danh mục kế hoạch trung hạn.

QUỲNH HOA

.
.
.