.
KỶ NIỆM 44 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 - 30-4-2019)

Chiến thắng chấn động địa cầu

Cập nhật: 16:31, 25/04/2019 (GMT+7)

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt với nhiều hy sinh, mất mát nhưng vẻ vang, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, với những bước chuyển biến về tương quan lực lượng, cục diện chiến tranh để đến giai đoạn cuối, cuộc kháng chiến đã tạo bước nhảy vọt, đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Xe tăng của lực lượng giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Ảnh: Tư liệu
Xe tăng của lực lượng giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Ảnh: Tư liệu

CHIẾN LƯỢC PHÙ HỢP

Tháng 7-1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneve. Mỹ ngoan cố không chấp nhận các điều khoản của Hiệp định, không ký Tuyên bố cuối cùng của Hiệp định, đồng thời xúc tiến kế hoạch xâm chiếm miền Nam nước ta bằng chính sách thực dân mới. Thông qua việc dùng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, Mỹ tập trung thực hiện biện pháp “tố cộng, diệt cộng” đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam, ban hành Luật 10/59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, biến cả miền Nam thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung. Cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.

Đứng trước tình thế mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng XHCN ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ vững mạnh của cách mạng cả nước và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ. Ở miền Nam, cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng ác liệt. Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời, xác định rõ mục tiêu, phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ chiến lược của cách mạng hai miền, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; định hướng và động viên nhân dân miền Nam vùng lên trong phong trào Đồng khởi (1959 - 1960), xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, làm tan rã hàng loạt bộ máy của ngụy quyền ở các thôn, xã.

Từ cuối năm 1960, đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược, chuyển sang “Chiến tranh đặc biệt” đối phó với cách mạng miền Nam. Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song cả đấu tranh vũ trang và chính trị, đánh địch bằng cả quân sự và chính trị, bằng cả ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai. 

TOÀN DÂN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC 

Trước nguy cơ phá sản “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ. Quân dân miền Bắc đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của ngày càng lớn cho miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã giáng đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris. 

Sau thất bại của chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Mỹ mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào, thi hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Quân và dân ta phối hợp với quân, dân hai nước Lào, Campuchia, đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Những thắng lợi của chiến tranh cách mạng ba nước Đông Dương trong hai năm 1970 - 1971 đã tạo thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. 

Nhờ chuẩn bị tốt lực lượng, nhằm đúng thời cơ, quân và dân ta đã liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai trên miền Bắc, nổi bật là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ, làm thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh. Trong đàm phán, chúng ta cũng khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (1973), rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, làm cho so sánh lực lượng thay đổi hẳn, có lợi cho ta, tạo điều kiện cơ bản nhất để ta giành thắng lợi cuối cùng.

GIẢI PHÓNG MIỀN NAM

Sau khi ký Hiệp định Paris, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. 

Nửa cuối năm 1974, cuộc chiến tranh của quân và dân ta ở miền Nam chống lại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đã giành được thắng lợi. Ta ngày càng mạnh lên, ngụy ngày càng suy yếu rõ rệt. Nước Mỹ lâm vào khủng hoảng nội bộ. Tháng 7-1974, Đảng chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, nếu thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Thắng lợi toàn miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng toàn tỉnh Phước Long cuối năm 1974 - đầu năm 1975 càng cho thấy thực tế suy yếu của quân ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó quay lại được Việt Nam. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 4-3 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30-4-1975. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

BÙI TẤN

(Tổng hợp)

.
.
.