Những giờ phút cảm tử vượt cầu Cỏ May, giải phóng Vũng Tàu
Vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975, những chiến sĩ của Sư đoàn 3 Sao Vàng đã vượt cầu Cỏ May, tiến vào giải phóng Vũng Tàu. Đã 44 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của những tháng ngày lịch sử ấy, như vẫn còn vẹn nguyên.
Các Cựu Chiến binh Sư Đoàn 3 Sao Vàng cùng chuyện trò và chụp ảnh lưu niệm tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ cầu Cỏ May (TP.Vũng Tàu). |
Ông Vương Minh Sơn, Trưởng Ban Liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng tại tỉnh BR-VT cho biết: Sư đoàn 3 Sao Vàng, đơn vị cơ động đầu tiên của Quân khu 5 ra đời vào ngày 2-9-1965, tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Tháng 4-1975, Sư đoàn 3 Sao Vàng được giao nhiệm vụ hợp quân (gồm 3 Trung đoàn Bộ binh) tiến về giải phóng tỉnh BR-VT. Nhiệm vụ của Sư đoàn là tiến công bên cánh trái Quân đoàn 2, giải phóng TX.Bà Rịa và Vũng Tàu. Trung đoàn bộ binh 12 và 141 trực tiếp tiến công TX.Bà Rịa, Trung đoàn 2 là lực lượng chủ yếu tiến công giải phóng Vũng Tàu, chặn địch tháo chạy ra đường biển.
Chiều tối ngày 27-4, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 đã đến cửa chính, hướng Tây Bắc TX.Bà Rịa (lúc này TX.Bà Rịa đã được giải phóng). Sở chỉ huy trung đoàn nhận được báo cáo: Cầu Cỏ May đã bị phá sập, nước sông sâu, địch bên kia bắn sang. Tiểu đoàn bị thương vong một số, đang dừng lại ở bờ sông.
Đài tưởng niệm Liệt sĩ cầu Cỏ May – nơi tưởng nhớ sự hy sinh của các chiến sĩ (chủ lực là Sư đoàn 3 Sao Vàng) đã tham gia giải phóng TP.Vũng Tàu. |
Cầu Cỏ May ngày ấy được đúc bằng bê tông cốt thép (dài khoảng 100m), cây cầu nằm trên quốc lộ 15 (nay là 51), trục lộ duy nhất nối TX.Bà Rịa với TP.Vũng Tàu. Cầu Cỏ May là một mục tiêu hiểm yếu, bởi đặc điểm địa hình rất phức tạp. Điều bất lợi đối với ta là hai bên đường toàn bộ là sình lầy nên không triển khai được nhiều lực lượng và trận địa hỏa lực. Ngược lại, phía bên kia cầu địa hình cao, hai bên làng mạc nhô ra sát bờ sông nên thuận lợi cho địch bố trí trận địa phòng ngự. Lúc này địch có khoảng một tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Việt Nam cộng hòa, có xe tăng, thiết giáp và công sự, lô cốt vững chắc. Địch đã cho phá sập cầu Cỏ May vào chiều tối ngày 27-4, không cho tàu thuyền nào đậu gần khu vực cầu vì lo ngại quân ta sử dụng tàu thuyền của dân vượt sông.
Thiếu tá Phạm Quang Lập (64 tuổi) lúc đó là chiến sĩ Tiểu đoàn 40B, Sư đoàn 3 Sao Vàng kể lại: Từ đêm 27 đến ngày 28-4, Tiểu đoàn 3 tổ chức nhiều cuộc vượt sông, nhưng đều bị hỏa lực của địch ngăn chặn, chiến sĩ thương vong khá nhiều.
Đến nay, nhiều chiến sĩ tham gia các trận chiến vượt cầu Cỏ May vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Tháng 12-2006, Tượng đài Liệt sĩ cầu Cỏ May được khánh thành. Tượng đài nằm trong khuôn viên rộng 1.500m2, sát đầu cầu Cỏ May, cạnh Quốc lộ 51. Đây là nơi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây cũng là nơi lãnh đạo TP.Vũng Tàu, các ĐVTN tổ chức dâng hương, viếng, về nguồn mỗi dịp lễ, Tết, các ngày lễ lớn của dân tộc. |
Trước tình huống diễn ra không thuận lợi tại cầu Cỏ May, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 quyết định chuyển hướng tiến công chủ yếu sang phía Đông. Đêm 28, rạng ngày 29-4, Trung đoàn bộ binh 12 và các lực lượng trực thuộc Sư đoàn, với sự hỗ trợ của Trung đoàn pháo, tiến vào Vũng Tàu bằng cách huy động tàu thuyền của ngư dân vượt eo biển Phước Tỉnh (cầu Cửa Lấp hiện giờ) xuống Vũng Tàu.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 29-4, khi Trung đoàn 12 vượt qua Cửa Lấp, xã Phước Tỉnh, trên đường tiến xuống Vũng Tàu, một đại đội của Tiểu đoàn 6 tách ra khỏi đội hình Trung đoàn 12, đánh từ phía sau lưng tiểu đoàn thủy quân lục chiến địch đang cố thủ tại đầu cầu phía Nam, bắn cháy 2 xe thiết giáp M113. Bị tiến công bất ngờ, toàn bộ quân địch cố thủ đầu cầu tháo chạy xuống Vũng Tàu. Chớp thời cơ, Tiểu đoàn 3 và các lực lượng trên hướng đường 51 ào ạt vượt qua cầu Cỏ May, mở đường giải phóng TP.Vũng Tàu.
Bài, ảnh: MINH THANH