Kỷ niệm 73 năm ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (6-1-1946 – 6-1-2019): Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên - mốc son lịch sử

Thứ Sáu, 04/01/2019, 18:09 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 6-1-1946, đánh dấu sự kiện trọng đại của lịch sử nước nhà: Lần đầu tiên nhân dân Việt Nam được cầm lá phiếu tự do lựa chọn những người tài đức vào Quốc hội. Và sự kiện đó trở thành mốc son của niềm tự hào, kiêu hãnh: “Quốc hội nước ta là Quốc hội dân chủ đầu tiên ở vùng Đông Nam châu Á, cũng là Quốc hội đầu tiên của các nước thuộc địa cũ được độc lập, tự do”.

Người dân Hà Nội đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội Khóa I vào ngày 6-1-1946.
Người dân Hà Nội đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội Khóa I vào ngày 6-1-1946. Ảnh: Tư Liệu

TỔNG TUYỂN CỬ TRONG KHÓ KHĂN, CHỒNG CHẤT KHÓ KHĂN

Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử”. Thời điểm đó, đất nước đứng trước khó khăn “như ngàn cân treo sợi tóc”: Chính quyền cách mạng non trẻ, nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, nạn đói tiếp tục hoành hành, xã hội đầy rẫy tệ nạn và hơn 95% dân số mù chữ; Quân Tưởng, Anh, Pháp và bọn “Việt Quốc”, “Việt Cách” tràn vào nước ta thực hiện âm mưu đen tối “diệt cộng, cầm Hồ”, gây cho cách mạng muôn vàn hiểm nguy. Phía Bắc, bọn Việt Quốc và Việt Cách không chỉ tẩy chay tham gia tranh cử, mà còn gây ra nhiều hành động khiêu khích, gây rối vừa tinh vi, xảo quyệt, vừa trắng trợn. Chúng đưa ra những yêu sách vô lý: Đòi Chính phủ Hồ Chí Minh và các bộ trưởng là đảng viên Đảng Cộng sản từ chức; Đòi chiếm một phần ba số ghế trong Quốc hội… Trên nhiều tờ báo, chúng vu cáo, nói xấu Việt Minh, kêu gọi nhân dân tẩy chay tổng tuyển cử. Chúng cho quân lính mang súng đến một số địa điểm ngăn người dân đi bầu cử, không cho đặt hòm phiếu, cấm treo cờ đỏ sao vàng. Phía Nam, thực dân Pháp gây hấn, mở rộng chiến tranh xâm lược. Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên chiến sự ác liệt, máy bay Pháp ném bom nhiều địa điểm bầu cử, lá phiếu đã nhuộm đỏ máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Thời khắc hiểm nghèo đó, Đảng ta đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn quyết định và tích cực chuẩn bị tổng tuyển cử  “càng sớm càng hay”. Một quyết định táo bạo, dũng cảm, sáng suốt, đúng đắn và đầy bản lĩnh; dư luận thế giới quan tâm, lúc đầu tỏ ra lo ngại, nhưng về sau hết lời khen ngợi, khâm phục.

LÁ PHIẾU TỰ DO, DÂN CHỦ; LÁ PHIẾU CHỐNG THÙ TRONG, GIẶC NGOÀI

Từ thân phận nô lệ, nhân dân ta lần đầu tiên được cầm lá phiếu quyết định vận mệnh, tương lai của chính mình. Và cũng là lần đầu tiên, họ được thực hiện và chứng kiến cuộc bỏ phiếu dân chủ, tiến bộ, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bằng phiếu kín. Bầu cử Quốc hội đã thật sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp và là ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở các nước phương Tây có nền dân chủ phát triển cách chúng ta hàng trăm năm, nhưng phụ nữ Pháp mãi đến năm 1945 mới có quyền đi bầu hội đồng thành phố, ở Thụy Sỹ mãi đến năm 1971 mới chấp nhận quyền bầu cử cho phụ nữ. Vậy mà, cách mạng vừa thành công, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương: “hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân có quyền đi bầu cử” và “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử”. Trước ngày bầu cử, nhiều người tài đức đã tự nguyện ra ứng cử; Các cuộc tiếp xúc cử tri để các ứng cử viên báo cáo chương trình hành động, tranh cử diễn ra hào hứng, sôi nổi, rộng khắp, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Dưới ách đô hộ của đế quốc, thực dân, trình độ dân trí rất thấp, nhưng Đảng, Chính phủ và lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn đề cao, tôn trọng và tìm mọi cách để đảm bảo quyền công dân. Thay mặt Chính phủ, Hồ Chủ tịch kêu gọi, động viên đồng bào thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng “Ngày mai… ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… Dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt mình và gánh vác việc nước”; “Ngày mai sẽ không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”. Sự bí mật, an toàn và tự do cá nhân được đảm bảo tuyệt đối trong bầu cử. Chính phủ đề ra quy định độc đáo dành cho những người chưa biết chữ: Ban phụ trách ở các điểm bầu cử phải lập tổ ba người để giúp cử tri thực hiện quyền bầu cử: Một người viết giúp, hai người kiểm tra và toàn tổ phải tuyên thệ trước cử tri đã viết đúng theo ý nguyện của họ và sẽ tuyệt đối giữ bí mật! Không chỉ bảo đảm quyền tự do, dân chủ, mà tổng tuyển cử còn bảo đảm sự công bằng. Các đại biểu ở Hà Nội kiến nghị: Cụ Hồ phải là đại biểu Quốc hội đương nhiên, không cần ứng cử, bầu cử. Nhưng Người cảm ơn và kiên quyết chối từ, vì rằng là một công dân, Người không thể vượt qua thể lệ tổng tuyển cử.

Toàn dân đi bỏ phiếu với tâm trạng phấn chấn và được quyền lựa chọn đúng người tài đức ra gánh vác việc nước, việc dân. Nhưng mỗi lá phiếu “cũng có sức nặng như một viên đạn”. Ở ngoài mặt trận, các chiến sĩ “dùng súng đạn mà chống quân thù”, thì “nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch”. Bởi những lá phiếu công tâm, khách quan của nhân dân sẽ làm nên thắng lợi của tổng tuyển cử. Thắng lợi đó “sẽ tỏ cho thế giới biết rằng Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ. Kiên quyết chống bọn thực dân. Kiên quyết tranh quyền độc lập”. Cuộc tổng tuyển cử thắng lợi biểu thị tinh thần yêu nước, khẳng định niềm tin tuyệt đối của nhân dân với Đảng, với Chính phủ và sức mạnh to lớn của đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh tinh thần ấy sẽ biến thành lực lượng vật chất giúp đất nước vượt qua tất cả hiểm nguy và chiến thắng mọi thù trong, giặc ngoài.

Thời gian càng lùi về quá khứ, thì sự kiện tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên càng tỏa sáng. Hơn bảy thập kỷ trôi qua, lịch sử vẫn mãi ghi nhớ mốc son: Quốc hội của trí tuệ, đạo đức và đại đoàn kết toàn dân tộc, gồm 333 đại biểu, đại diện cho các dân tộc, tôn giáo, đảng phái, giới tính, nghề nghiệp ra đời. Sự kiện trọng đại đó mở ra trang sử mới của chế độ dân chủ nhân dân; Khởi đầu sự phát triển của Quốc hội – một thiết chế trụ cột của nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân và đưa nước ta bước vào công cuộc “kháng chiến, kiến quốc” với tư thế, khí phách và tràn đầy sức sống mới.

NGUYỄN QUANG PHI

;
.