Nêu gương - Trách nhiệm và đạo lý của người cán bộ
Ngày 25-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, là trách nhiệm và đạo lý của người cán bộ. Đề cao trách nhiệm nêu gương cũng là để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, nâng cao vai trò lãnh đạo, năng lực, uy tín của Đảng, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, thật sự là đạo đức, là văn minh.
Công chức huyện Đất Đỏ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính của người dân tại Bộ phận “một cửa”. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG |
NÊU GƯƠNG - MỘT PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Muốn đồng bào nghe theo, thì cán bộ phải gương mẫu đi đầu, xung phong làm trước, chứ nói mà không làm, hoặc nói nhiều làm ít thì làm sao thuyết phục được quần chúng. Trong cuộc sống, sinh hoạt, công tác, vận động đồng bào, chiến sĩ thực hành tiết kiệm mà mình xa xỉ, hoang phí thì nói ai nghe… Những năm đầu sau khi nước nhà giành độc lập, rồi kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ, hình ảnh Bác Hồ trong bộ quần áo nâu giản dị hay bộ kaki bạc màu, cùng bộ đội hành quân ra mặt trận hay cùng nông dân lội ruộng, tát nước, trồng cây… sẽ mãi đi vào lòng người và có sức thuyết phục hơn mọi lời nói.
Ngày nay, đất nước độc lập, hòa bình, thống nhất. Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, thành tựu đạt được là vô cùng to lớn, có ý nghĩa lịch sử, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay” (như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng). Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng rất lớn. Công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI đã chỉ rõ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cấp cao, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Nguyên nhân là do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm. Nghị quyết xác định 3 vấn đề cấp bách, 4 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện tốt, trong đó nhấn mạnh vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy các cấp, của cấp trên đối với cấp dưới.
Thực tế cho thấy, dân tin yêu Đảng, một lòng một dạ đi theo Đảng, bắt đầu từ những con người cụ thể, những tấm gương tiêu biểu. Trong kháng chiến chống Mỹ, những tấm gương anh dũng hy sinh như Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân… đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước, biến căm thù thành sức mạnh đánh thắng giặc Mỹ, thôi thúc bộ đội, dân quân tự vệ bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, những cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu hiến đất xây trường, làm đường, góp phần xây dựng nông thôn mới, những tấm gương dũng cảm hy sinh vì bình yên cuộc sống nhân dân, say mê tìm tòi trong lao động sản xuất, những tấm lòng thiện nguyện, sẵn sàng sẻ chia vì cộng đồng… đã góp phần làm lan tỏa sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Vì an ninh Tổ quốc”, “Ngày vì người nghèo”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…
Nêu gương là một phương thức lãnh đạo của Đảng, nhưng có những đặc thù riêng. Nếu làm tốt việc nêu gương thì hiệu quả vô cùng to lớn, bởi nó có sức lan tỏa sâu rộng, có khả năng hiệu triệu đông đảo quần chúng bằng sức mạnh của niềm tin và tình cảm yêu mến từ trái tim. Ngược lại, nếu người cán bộ, đảng viên không nỗ lực cố gắng, tu dưỡng rèn luyện, không giữ được mình “mực thước”, thì hậu quả cũng vô cùng nguy hại, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
RÈN LUYỆN ĐỘI NGŨ, NÂNG CAO NĂNG LỰC, UY TÍN CỦA ĐẢNG
“Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải mực thước cho người ta bắt chước”, cách nói giản dị đó thể hiện rõ tư tưởng của Bác Hồ về trách nhiệm và bổn phận nêu gương của cán bộ, đảng viên, về công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ những người tiêu biểu nhất, tiên tiến nhất, xứng tầm lãnh đạo cách mạng. Để thực sự nêu gương, người cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng cả về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, trách nhiệm, tác phong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, quan hệ với quần chúng nhân dân… Càng giữ chức vụ cao, yêu cầu, đòi hỏi càng lớn. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải nói đúng, làm đúng, đạo đức lối sống phải trong sáng, lành mạnh, tác phong công tác phải mẫu mực, quần chúng mới tin tưởng, yêu mến và noi theo.
Qua các thời kỳ lịch sử, đồng hành cùng dân tộc, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ, coi đây là nhiệm vụ “then chốt của then chốt” và đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết, có nhiều giải pháp quyết liệt để làm tốt nhiệm vụ trọng yếu này. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhằm ngăn chặn cho được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Với quan điểm đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đề cập một cách bài bản, khoa học việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, thực sự tiêu biểu về đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, trong sáng, gương mẫu về mọi mặt, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
NGUYỄN SỰ