Cần thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"
Hơn 20 năm qua, cả hệ thống chính trị và nhân dân đã ra sức thực hiện Chỉ thị 30 ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”. Theo đó, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” (sau đây gọi là phương châm) được các ngành, các cấp, các địa phương triển khai thực hiện và đã mang lại một số kết quả đáng kể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương và cả nước.
Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng BCĐ thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh phát biểu kết luận tại buổi làm việc với BCĐ thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở TP.Bà Rịa ngày 30-8-2018. Ảnh: MẠNH THẮNG |
Nhìn lại 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” trên phạm vi cả nước, chúng ta đã gặt hái được một số thành tựu quan trọng: Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò trách nhiệm chính trị trong thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; Thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường chất lượng hoạt động văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; Góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, tổng kết quá trình thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, có thể rút ra một số khuyết điểm, yếu kém ở cơ sở như sau: Nhận thức của một số cấp ủy và người đứng đầu chính quyền, hội, đoàn thể ở cấp huyện, xã còn hạn chế. Do đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, vận động thực hiện chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, thiếu năng động sáng tạo, hiệu quả thực hiện phương châm ở cơ sở chưa ngang tầm, chưa rõ, chưa có tính thuyết phục cao. Một số địa phương, cơ quan, đoàn thể khá lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện theo đúng, đủ phương châm đã được thống nhất. Một bộ phận người dân và cán bộ, công chức, viên chức chưa thật sự thấu hiểu quy trình thực hiện phương châm. Có lúc, có nơi tình trạng vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, thiếu tôn trọng dân vẫn còn diễn ra, gây bức xúc trong nhân dân, làm sụt giảm lòng tin của quần chúng với tổ chức Đảng và chính quyền cơ sở.
Thực tiễn cho thấy, ở địa phương nào mà người đứng đầu chú tâm thực hiện đúng, đủ phương châm thể hiện trong “Quy chế dân chủ ở cơ sở” thì tình trạng tham nhũng chắc chắn sẽ được người dân phát giác, phản ảnh kịp thời với chính quyền và các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng. Do đó, tội phạm tham nhũng không thể tự tung tự tác, hoặc không dám tham nhũng trước “tai - mắt” của nhân dân. Ngược lại, ở nơi nào mà nội dung phương châm không được phát huy triệt để, các chủ trương xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng không được công khai minh bạch, người dân bị “bưng bít” thông tin thì rất dễ xảy ra tham nhũng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 25 “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, trong đó có nội dung: “Cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm vận động nhân dân; Xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin; Thường xuyên đi công tác cơ sở…”. Đây chính là cơ sở lý luận và thực tiễn để chúng ta có thể làm tốt hơn phương châm như nêu ở trên.
Như vậy, để việc phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thì phải kết hợp nhiều yếu tố từ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến tổ chức thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt, cần tiếp tục phát huy sức mạnh của nhân dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, tin tưởng vào “tai - mắt” giám sát, phản biện của nhân dân qua thực hiện đúng, đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong thực hiện “Quy chế dân chủ ở cơ sở”.
MAI TƯỞNG