Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Lấy ý kiến đóng góp vào 4 dự án Luật
Trong 2 ngày 20 và 21-9, tại TP.Vũng Tàu, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào 4 dự án Luật: Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến quy hoạch. Các đồng chí: Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Dương Minh Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT chủ trì hội nghị.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh BR-VT phát biểu ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). |
Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về Dự án luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Dự án luật Giáo dục (sửa đổi). Dự thảo Luật CAND (sửa đổi) gồm 7 chương, 48 điều. So với Luật CAND năm 2014, dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) bổ sung 4 điều; sửa đổi, bổ sung 31 điều và bỏ 1 điều. Đa số các đại biểu đều cho rằng, nội dung dự thảo Luật đã tập trung vào những vấn đề hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của CAND; tổ chức của CAND; xây dựng Công an xã chuyên nghiệp; xác định vị trí, phạm vi chức năng, nhiệm vụ của từng cấp Công an.
Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 10 chương, 119 điều, quy định về: Mở và liên thông của hệ thống giáo dục; Mục tiêu giáo dục phổ thông; Nhà giáo, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; Chính sách học phí cho HS-SV sư phạm.
Qua thảo luận, các đại biểu đều tán thành về mục tiêu xây dựng Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), đồng thời đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến công tác quản lý, quản trị nhà trường, vai trò của người đứng đầu trong nhà trường, trình độ giảng viên các trường CĐ, ĐH.
Tin, ảnh: MINH NHÂN