.
PHÒNG, CHỐNG "TỰ DIỄN BIẾN", "TỰ CHUYỂN HÓA"

Bồi đắp tinh thần cống hiến, hy sinh cho cán bộ, đảng viên

Cập nhật: 17:15, 19/09/2018 (GMT+7)

Một trong những phẩm chất cao đẹp nhất của người cộng sản là đức tính hy sinh. Hy sinh là tự nguyện chấp nhận khó khăn, gian khổ, thiệt thòi, biết đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với đồng chí, đồng đội và nhân dân. Vượt lên trên lợi ích cá nhân và cái tôi nhỏ bé, đức tính hy sinh không chỉ là vẻ đẹp của người cộng sản, mà còn là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và tư cách chân chính của người cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, hiện có một bộ phận cán bộ, đảng viên đang mang nặng tư tưởng so bì, tị nạnh, tính toán, thực dụng rất đáng cảnh báo, phê phán.

Đoàn viên, thanh niên Sở Y tế tỉnh khám bệnh miễn phí cho người nghèo xã Kim Long (huyện Châu Đức). Ảnh: MINH NHÂN
Đoàn viên, thanh niên Sở Y tế tỉnh khám bệnh miễn phí cho người nghèo xã Kim Long (huyện Châu Đức). Ảnh: MINH NHÂN

Có một sự thật mà nhân dân ta luôn thừa nhận, đó là trong gần 9 thập niên qua, không có một lực lượng, một đảng phái nào có thể thay thế được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi, một trong những lý do cơ bản là Đảng ta đã giáo dục, rèn luyện được một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành, tận tụy, “một lòng một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”. Phẩm chất hy sinh cao đẹp của đội ngũ cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam được biểu hiện sinh động trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Con số gần 16.000 đảng viên đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thế kỷ 20 đã minh chứng sâu sắc điều đó. Đảng ta, nhân dân ta luôn tự hào có một thế hệ đảng viên được tôi luyện qua “lò lửa” chiến tranh đã mang trong mình phẩm giá hy sinh.

Từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, bên cạnh phần lớn cán bộ, đảng viên vẫn giữ được vai trò tiên phong, gương mẫu và tự nguyện xông pha, dấn thân vào những việc khó, nơi khó, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Đảng cần, dân gọi thì cũng đã xuất hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện so đo, tính toán, tị nạnh, thực dụng, chỉ biết nhận những việc dễ, việc thuận về mình, đùn đẩy việc khó, việc khổ cho người khác. Đây là một trong các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ ra: “Kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn", "chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình”.

Để góp phần phòng, chống những biểu hiện suy thoái đó, một trong những việc làm hiện nay là phải tích cực bồi đắp, giáo dục cán bộ, đảng viên đề cao lòng tự trọng, giữ gìn liêm sỉ của người cách mạng. Bởi vì, một trong những nguyên nhân dẫn đến thói so bì, tính toán, tị nạnh, thực dụng, nhận việc dễ, bỏ việc khó của một bộ phận cán bộ, đảng viên là thói tham danh háo lợi, không biết xấu hổ trước lòng tham vô đáy của mình, không biết giữ mình trước cạm bẫy, cám dỗ vật chất, làm gì cũng muốn hưởng lợi hơn người và không chịu đặt mình trong mối quan hệ với tổ chức và cộng đồng, cũng như không biết giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa cá nhân, tập thể và xã hội.

Một trong những yêu cầu phẩm chất cũng như bổn phận, trách nhiệm của đảng viên đã được quy định trong Điều lệ Đảng là “Sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao”. Đây cũng là lời hứa của mọi đảng viên trong lễ kết nạp Đảng, nhưng tiếc thay, tinh thần sẵn sàng, ý thức tự nguyện, phẩm giá cống hiến của một số đảng viên đã bị mai một theo năm tháng, thậm chí có đảng viên bị mai một theo… chức vụ. Thực tế cho thấy, vị thế, uy tín, danh dự của đảng viên không hẳn xuất phát từ chức danh, chức vụ, quyền hạn đang đảm nhiệm mà chính là bắt nguồn từ khả năng đóng góp công sức, trí tuệ cho cơ quan, đơn vị, tổ chức và từ tấm gương cống hiến, hy sinh vì tập thể của mình.

Cách đây gần nửa thế kỷ, nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Sau khi khẳng định, Đảng ta tự hào vì có “rất nhiều cán bộ, đảng viên ta tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang”, Bác Hồ đã cảnh báo một bộ phận cán bộ, đảng viên vì mang nặng chủ nghĩa cá nhân mà “không có tinh thần cố gắng vươn lên; ngại gian khổ, khó khăn; việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết; họ không lo “mình vì mọi người”, mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Những lời cảnh báo đó của Bác Hồ đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Thật ra, Đảng ta không yêu cầu và mong muốn cán bộ, đảng viên suốt đời phải làm những việc khó khăn, công tác ở những nơi gian khổ, nhưng lại luôn đòi hỏi mỗi người cần có tinh thần dấn thân, xông pha đúng lúc, đúng chỗ, cũng như yêu cầu từng người phải có thái độ ứng xử đúng mực, biết sẻ chia khó khăn với người khác, đề cao trách nhiệm với việc dân, việc nước. Mọi sự ỷ lại, tị nạnh, so đo, tính toán thiệt hơn trong việc nhận, thực hiện nhiệm vụ và trong mọi hoạt động công tác đều không thể hiện vai trò, tư cách chân chính của người cộng sản và lại càng trái với đạo đức cách mạng của người đảng viên.       

THIỆN VĂN

.
.
.