.

Luật An ninh mạng: Xây dựng giá trị tốt đẹp trên thế giới ảo

Cập nhật: 16:55, 25/06/2018 (GMT+7)

Giữ nước phải giữ từ thời bình, phải ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi để đất nước không bị động, bất ngờ; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng. Những nội dung đó được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Để chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống thì vấn đề cốt lõi đặt ra là phải nhận diện, kiểm soát cụ thể các mối nguy và phải có cách thức giải quyết phù hợp, một trong số đó là vấn đề an ninh mạng.

Nói về vấn đề an ninh mạng, trước hết cần trở lại với thuật ngữ “internet”. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1974, tiền thân của nó là mạng ARPANET bao gồm 4 mạng máy tính được liên kết với nhau, từ đó qua nhiều mốc phát triển, internet đã lan truyền khắp thế giới và trở nên phổ biến như ngày hôm nay. Internet được công nhận và cấp phép ở Việt Nam vào năm 1997, đánh dấu bằng sự kiện ngày 19-11-1997 internet Việt Nam hòa mạng internet toàn cầu. Sau hơn 20 năm kể từ khi có mặt tại Việt Nam, internet và các tiện ích của nó đã xâm nhập vào mọi mặt của đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, đã góp phần không nhỏ vào việc tăng cường sự phát triển của đất nước. 

Bên cạnh những lợi ích to lớn, sự lan tỏa sâu rộng của internet tại Việt Nam cũng gây ra nhiều vấn đề đáng lo ngại. Trong đó có những sự việc, những làn sóng văn hóa không được kiểm soát, đi ngược lại với truyền thống, các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta, ảnh hưởng lớn đối với thế hệ trẻ. Môi trường không gian mạng đang bị ô nhiễm bởi các loại tội phạm công nghệ cao, đã và đang ngày càng gia tăng các hành vi phạm tội như lừa đảo qua mạng, phát tán virus, nghe trộm, đánh cắp thông tin… mà không được kiểm soát đúng mức vì còn thiếu cơ sở pháp lý, do đó không tạo ra được sự răn đe cần thiết đối với tội phạm. Với mức độ phổ biến của internet hiện nay, việc tạo ra và lan truyền các tin tức giả dẫn đến những hậu quả hữu hình, thậm chí vượt qua các giới hạn khắc phục mà giá trị đạo đức có thể mang lại. Điều này đã không còn mang tính “lá cải”, mà thực sự trở thành “lá ngón”, không chỉ góp phần tạo ra những cơn bão mạng với cường độ ngày càng cao, mật độ ngày càng dày đặc và khoảng thời gian ảnh hưởng ngày càng kéo dài, mà còn rút ngắn khoảng cách giữa những cơn “bão mạng” với những cơn “bão lòng”. Đáng tiếc thay, những cơn “bão mạng” hay những cơn “bão lòng” được hình thành từ những tin tức giả trên không gian mạng không tạo ra động lực để phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, mà những hậu quả của nó gây ra làm gián đoạn, kìm hãm sự phát triển của quốc gia, dân tộc mà toàn Đảng, toàn dân đang hướng tới.

Những mặt trái của internet đã gây ra sự lo lắng và thiếu niềm tin trên không gian mạng, gây ra mối nguy hại thực sự về sự xuống cấp văn hóa đạo đức, gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan Nhà nước, tạo ra sự đe dọa về mặt an ninh phi truyền thống. Nhận thức đầy đủ các vấn đề đó, chúng ta đã tích cực giáo dục ý thức nhằm thay đổi hành vi để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn không chỉ ở thế giới thực mà còn trên thế giới ảo. Bằng các biện pháp kỹ thuật, chúng ta đã và đang tìm cách ngăn chặn, đấu tranh chống lại những yếu tố độc hại trên không gian mạng. Để cuộc đấu tranh đạt được kết quả tốt đẹp thì phải có sự chung tay vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân. 

Trước tình hình thực tế như vậy, trên tinh thần “lòng dân, ý Đảng”, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ngày 12-6-2018, 86,86% Đại biểu Quốc hội đã nhấn nút thông qua Luật An ninh mạng. Luật An ninh mạng ra đời đưa Việt Nam gia nhập vào hàng ngũ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ban hành Luật An ninh mạng. Luật này ra đời lần đầu tiên trong lịch sử nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sẽ giúp cho nhân dân và các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để đấu tranh ngăn chặn, xử lý các nguy cơ, thách thức từ không gian mạng một cách kịp thời và hiệu quả; tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân hoạt động trên một môi trường không gian mạng quốc gia được đảm bảo an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Một điều hiển nhiên là không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các quốc gia phát triển trên thế giới, việc ban hành luật mới lần đầu tiên trong lịch sử sẽ không thể tránh khỏi việc dẫn đến những ý kiến trái chiều. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, chân chính, với nguyện vọng chính đáng là được sống và làm việc trong môi trường an toàn, lành mạnh của các tầng lớp nhân dân, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật đang phát triển hàng ngày hàng giờ như hiện nay, chúng ta tin tưởng rằng, việc ban hành Luật An ninh mạng và đưa Luật vào đời sống sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ và đóng góp ý kiến mang tính xây dựng của các tầng lớp nhân dân để Luật ngày càng hoàn thiện hơn. Từ đó, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân được bảo vệ vững chắc hơn. Qua đó, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng vững mạnh, giàu đẹp hơn.

HIỀN LƯƠNG
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 
.
.
.